Chờ...

Bệnh thiếu máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

( VOH ) - Thiếu kiến thức về bệnh thiếu máu có thể khiến bạn khó nhận biết và điều trị đúng cách căn bệnh này. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu cụ thể về bệnh thiếu máu.

1. Thiếu máu là gì?

Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và lượng hồng cầu trong máu ngoại vi, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể.

Bệnh thiếu máu cũng có thể xảy ra nếu các hồng cầu không chứa đủ hemoglobin. Hemoglobin là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ. Protein này giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể.

thieu-mau-tat-tan-tat-cac-kien-thuc-can-biet-voh-1

Thiếu máu là tình trạng máu có số lượng hồng cầu thấp hơn bình thường (Nguồn: Internet)

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thiếu máu gồm có các loại sau đây:

  • Thiếu máu do thiếu B12.
  • Thiếu máu do thiếu folate.
  • Thiếu máu do thiếu sắt.
  • Thiếu máu do bệnh mãn tính.
  • Thiếu máu tán huyết.
  • Thiếu máu bất sản vô căn.
  • Thiếu máu hồng cầu khổng lồ.
  • Thiếu máu ác tính.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
  • Thiếu máu địa trung hải.

2. Nguyên nhân thiếu máu

Cơ thể cần một số vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng để đảm bảo đủ tạo thành hồng cầu. Sắt, vitamin B12 và axit folic là 3 trong số những yếu tố quan trọng nhất. Cơ thể có thể không có đủ các chất dinh dưỡng do các nguyên nhân sau:

  • Những thay đổi trong niêm mạc dạ dày hoặc ruột ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng được hấp thụ.
  • Chế độ ăn uống thiếu chất.
  • Mất máu từ từ, nhất là qua các kỳ kinh nguyệt nặng hoặc loét dạ dày.
  • Phẫu thuật loại bỏ một phần của dạ dày và ruột.
  • Do một số loại thuốc gây thiếu máu.
  • Sự tiêu hủy các hồng cầu sớm hơn bình thường, có thể gây ra bởi các vấn đề hệ thống miễn dịch.
  • Do các bệnh mãn tính như bệnh thận, ung thư, viêm loét đại tràng hay viêm khớp dạng thấp mãn tính.
  • Mang thai cũng dễ bị thiếu máu.
  • Các vấn đề với tủy xương như u lympho, bệnh bạch cầu, loạn sản tủy, đa u tủy,…

3. Cách nhận biết dấu hiệu bệnh thiếu máu

3.1 Thiếu máu nhẹ

Khi bị thiếu máu nhẹ bạn sẽ có những biểu hiện như:

  • Tâm trạng gắt gỏng.
  • Cơ thể cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi thường xuyên hơn so với bình thường.
  • Hay bị nhức đầu.
  • Gặp các vấn đề về tập trung hay suy nghĩ.

3.2 Thiếu máu nặng

Các triệu chứng thiếu máu nặng bao gồm:

  • Lòng trắng của mắt có màu xanh.
  • Móng tay giòn, dễ gãy.
  • Muốn ăn đá hoặc những thứ phi thực phẩm khác.
  • Choáng váng nhẹ khi đứng lên.
  • Màu da nhợt nhạt.
  • Khó thở.
  • Đau lưỡi.

4. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh thiếu máu

Để chẩn đoán bệnh thiếu máu, bác sĩ có thể kiểm tra máu của bạn. Nếu bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể cần phải làm các xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra nó.

Bệnh thiếu máu có thể được phát hiện tình cờ bằng một xét nghiệm máu cho một bệnh lý khác. Xét nghiệm máu toàn bộ (còn được gọi là CBC) có thể cho thấy bạn bị thiếu máu hồng cầu hay không.

Nếu xét nghiệm máu toàn bộ của bạn cho thấy một số lượng thấp của các hồng cầu kích thước bình thường, bác sĩ có thể muốn bạn thực hiện thêm các xét nghiệm để xem nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu. Nếu bạn bị thiếu máu bẩm sinh, các thành viên khác trong gia đình cũng có thể cần phải kiểm tra.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán một số loại phổ biến của tình trạng thiếu máu có thể bao gồm:

  • Nồng độ sắt, vitamin B12, acid folic và các vitamin và khoáng chất khác trong máu.
  • Số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin.
  • Số lượng hồng cầu lưới.

Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để tìm ra các nguyên nhân có thể gây thiếu máu.

5. Điều trị bệnh thiếu máu

Điều trị bệnh thiếu máu cần hướng vào các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu, bao gồm các phương pháp điều trị sau:

thieu-mau-tat-tan-tat-cac-kien-thuc-can-biet-voh-2

Trường hợp thiếu máu nặng cần phải truyền máu để điều trị (Nguồn: Internet)

  • Thiếu máu do thiếu sắt sẽ phải bổ sung sắt để cơ thể có thể hấp thụ dễ dàng. Luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung sắt vì lượng sắt dư thừa có thể gây hại. Tốt nhất bạn nên tăng lượng chất sắt trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm nhiều chất sắt bao gồm thịt đỏ, đậu, lòng đỏ trứng, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hải sản...
  • Đối với thiếu máu do thiếu B12 và folate vitamin, bác sĩ cũng có thể khuyên nên tăng lượng vitamin B12 trong chế độ ăn uống. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B12 là thịt, gan và thận, cá, hàu và trai và sữa, pho-mát và trứng.
  • Trong một số trường hợp thiếu máu do bị thận mạn tính, cần tiêm hormon erythropoietin. Ở bệnh hồng cầu hình liềm, dùng hydroxyruena để giúp giảm đau.
  • Khi thiếu máu nặng, cần truyền máu cùng nhóm. Nếu cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu, có thể chữa bằng cấy ghép tủy xương hay máu từ cuống rốn. Tế bào máu bị phá hủy quá nhanh, cần điều trị huyết tương hay loại bỏ lá lách. Việc điều trị cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ.

6. Lời khuyên

  • Thiếu máu thiếu sắt ở đối tượng phụ nữ trẻ rất phổ biến. Do đó, việc bổ sung vi chất như sắt và vitamin B12 trong chế độ ăn là điều cần thiết để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, đặc biệt là khi đang mang thai.
  • Đối với trẻ em, khi thiếu máu cần xem xét nguyên nhân nhiễm giun, bệnh lý rối loạn hấp thu hoặc các bệnh lý thiếu máu di truyền, miễn dịch.
  • Người trưởng thành và người cao tuổi khi phát hiện thiếu máu thiếu sắt cần tầm soát nguyên nhân mất máu qua đường tiêu hóa, thiếu máu trong trường hợp này có thể là một triệu chứng diễn tiến của ung thư dạ dày hoặc ung thư đại trực tràng. Do đó bạn hãy trao đổi với bác sĩ ngay khi phát hiện thiếu máu để có hướng điều trị kịp thời.