1. Thiếu máu huyết tán là gì?
Thiếu máu huyết tán hay có thể gọi là thiếu máu tán huyết, là bệnh thiếu máu do hồng cầu bị phá vỡ quá nhanh và quá nhiều so với mức vỡ hồng cầu sinh lý, đời sống hồng cầu bị rút ngắn dưới mức bình thường.
Thiếu máu huyết tán xảy ra do bất thường tại hồng cầu (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết
Nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết khá phức tạp, có thể do di truyền hoặc mắc phải. Thiếu máu tán huyết di truyền có nghĩa là cha mẹ của bạn truyền lại gen bệnh cho bạn. Thiếu máu tán huyết mắc phải có nghĩa là mới sinh ra bạn không mắc phải căn bệnh này, nhưng trong quá trình lớn lên thì bạn bị mắc bệnh. Đôi khi, nguyên nhân của thiếu máu tán huyết không thể xác định được.
2.1 Thiếu máu tán huyết di truyền
Trong thiếu máu tán huyết di truyền, các gen kiểm soát quá trình tạo ra tế bào hồng cầu bị lỗi. Gen bị lỗi này có thể chỉ từ cha hoặc mẹ, hoặc trong trường hợp nặng là từ cả hai.
Những bất thường ở những gen khác nhau sẽ gây ra những loại bệnh thiếu máu khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu bất thường. Các bất thường có thể liên quan đến hemoglobin, màng tế bào hồng cầu hoặc các enzyme bên trong hồng cầu.
Các tế bào hồng cầu bất thường có xu hướng mong manh và dễ bị vỡ khi di chuyển trong dòng máu. Nếu điều này xảy ra, lách sẽ loại bỏ những tế bào bị vỡ ra khỏi dòng máu.
2.2 Thiếu máu tán huyết mắc phải
Trong thiếu máu tán huyết mắc phải, cơ thể tạo ra các tế bào máu đỏ bình thường. Tuy nhiên, một căn bệnh xuất hiện và phá hủy các tế bào có thể kể như:
- Rối loạn miễn dịch.
- Nhiễm trùng.
- Phản ứng với thuốc hoặc truyền máu.
- Cường lách.
3. Triệu chứng thiếu máu huyết tán
Nếu mắc bệnh thiếu máu huyết tán nhẹ, bạn có thể không có triệu chứng nào. Trường hợp thiếu máu kéo dài và chậm, các triệu chứng đầu tiên có thể là:
- Cảm thấy khó chịu.
- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi thường xuyên hơn so với bình thường.
- Nhức đầu.
- Gặp các vấn đề về tập trung hay suy nghĩ.
Nếu thiếu máu huyết tán nặng, các triệu chứng có thể gồm:
- Xuất hiện màu xanh ở lòng trắng của mắt.
- Móng tay giòn.
- Choáng váng khi đứng lên.
- Màu da nhợt nhạt.
- Khó thở.
- Đau lưỡi.
Khi nhận thấy những dấu hiệu này thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
4. Thiếu máu huyết tán có chữa được không?
Thiếu máu huyết tán có thể được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu đối với bệnh này là điều trị bằng phương pháp truyền máu.
Để giải quyết tình trạng máu dự trữ khan hiếm như hiện nay các bệnh viện lớn đã tiến hành truyền máu từng phần, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết cho cơ thể bệnh nhân.
Truyền máu là phương pháp điều trị thiếu máu tán huyết phổ biến (Nguồn: Internet)
5. Phòng chóng bệnh thiếu máu huyết tán bằng cách nào?
Việc quan trọng trong phòng bệnh thiếu máu huyết tán là:
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể luôn sạch sẽ.
- Ngủ màn chống muỗi đốt để tránh bị sốt rét.
- Ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng, không uống rượu, hút thuốc lá.
- Tránh tiếp xúc với những nơi có môi trường độc hại để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh ung thư, qua đó giảm được căn bệnh thiếu máu huyết tán.
- Vấn đề tư vấn và sàng lọc trước khi sinh cũng đang được đặt ra để giảm thiểu số trẻ sinh ra mắc bệnh.
Nhìn chung, những người mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh thường sẽ cần điều trị suốt đời, nếu mắc bệnh vì nguyên nhân khác thì có thể được chữa khỏi khi tuân thủ đúng phác đồ, vì thế thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ điều trị là vô cùng cần thiết để sớm thoát khỏi căn bệnh này.