Chờ...

Phương pháp làm chậm sự suy giảm trí nhớ

(VOH) - Hoạt động thể chất và tư duy là những phương pháp hiệu quả làm chậm sự suy giảm trí nhớ.

Thường hay để quên đồ, khó khăn trong việc tìm ngôn ngữ để diễn đạt, cảm xúc thất thường... là những biểu hiện chứng suy giảm nhận thức nhẹ thường gặp ở những người bước sang tuổi 65.

Sự thay đổi chức năng trí tuệ này tuy không gây hại đến đời sống thường ngày nhưng lại là dấu hiệu của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chứng suy giảm nhận thức nhẹ có thể tránh được. Hoạt động thể chất và tư duy là những phương pháp hiệu quả để cải thiện trí nhớ. Đây là những cách được các bác sĩ khuyến cáo, Viện hàn lâm thần kinh Mỹ cho biết. Cũng theo Viện này, những người sau độ tuổi 65 nên tập thể dục 150 phút mỗi tuần để cải thiện trí nhớ.

Những người sau độ tuổi 65 nên tập thể dục 150 phút mỗi tuần để cải thiện trí nhớ. Ảnh: stock

"Tập thể dục thường xuyên có lợi cho tim mạch. Ngày nay, chúng ta cũng có thể khẳng định việc tập thể dục còn giúp cải thiện trí nhớ của những người bị suy giảm nhận thức nhẹ. Tóm lại, tập thể dục vừa tốt cho tim lẫn trí não",Ronald Peterson, người phụ trách những khuyến cáo được công bố trong Neurology và giám đốc trung tâm nghiên cứu bệnh Alzheimer của Mayo Clinic tại Hoa Kỳ, nói.

Giáo sư Peterson khuyến khích những người lớn tuổi mắc triệu chứng suy giảm này nên tập thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,...150 phút hàng tuần (thời gian được khuyến cáo của các nhà chức trách quốc tế. "Mức độ bài tập phải ở cường độ vừa phải để duy trì mức ổn định", Giáo sư Peterson  nhấn mạnh.

Các bác sĩ thần kinh Mỹ cũng khuyến khích áp dụng những phương pháp kích thích nhận thức như thường xuyên tập luyện sử dụng những từ hay bị lãng quên cho đến học ngôn ngữ hay nhạc cụ để giúp trí não hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, duy trì các mối quan hệ xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện trí nhớ.

Ngoài ra, những khuyến cáo mới đây nhấn mạnh rằng không có cách điều trị bằng thuốc nào có thể giúp làm chậm sự phát triển chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Trái lại, các chuyên gia chỉ định những việc điều trị bằng thuốc cũng có thể làm suy giảm nhận thức. Do vậy, các bác sĩ nên dừng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến trí não trong quá trình điều trị bệnh.

Chỉ 1/10 những người ở độ tuổi 65 mắc phải chứng rối loạn thần kinh này. Tuy vậy, từ độ tuổi 85, hơn 1/3 người mắc triệu chứng này và 1/2 những người này phát triển thành bệnh Alzheimer.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tới hơn 75 triệu người sẽ bị suy giảm trí tuệ năm 2030. 20 năm sau, con số này sẽ lên tới 135 triệu.

"Khi chúng ta già đi không có nghĩa là chúng ta trở nên thụ động, thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể linh động các hành vi của mình. Điều này sẽ tạo nên sự khác biệt cho cả cá nhân và xã hội", một bác sĩ thần kinh nhấn mạnh.