Quả mận có thể kiểm soát lượng đường trong máu?

(VOH) - Bác sĩ cho biết, mận không chỉ thơm ngon mà còn có 5 công dụng rất tốt cho sức khỏe, bao gồm cải thiện tình trạng táo bón và môi trường đường ruột, kiểm soát lượng đường trong máu...

Hàng năm từ tháng 11 đến tháng 7 là mùa quả mận (quả roi) sai trái, khắp nơi đều có thể nhìn thấy bán nhiều quả mận rất ngon.

Bác sĩ cho biết, mận không chỉ thơm ngon mà còn có 5 công dụng rất tốt cho sức khỏe, bao gồm cải thiện tình trạng táo bón và môi trường đường ruột, kiểm soát lượng đường trong máu, lợi tiểu và giải độc, hỗ trợ giảm cân.

Chuyên gia dinh dưỡng lại cho biết, quả mận tuy có nhiều công dụng nhưng vẫn phải ăn có chừng mực, những bệnh nhân thận ăn không quá 2 quả mỗi ngày, còn bệnh nhân tiểu đường chỉ nên ăn nhiều nhất từ 4-6 quả mỗi ngày.

Quả mận có thể kiểm soát lượng đường trong máu? 1
So với nhiều loại trái cây khác, quả mận có hàm lượng đường thấp hơn và là thực phẩm có chỉ số GI (tức chỉ số đường huyết) thấp nên bệnh nhân tiểu đường cũng có thể ăn được. (Nguồn TVBS)

5 lợi ích chính của quả mận

Bác sĩ Lão khoa người Đài Loan (Trung Quốc) Fu Yuxiang cho biết, quả mận giàu chất xơ và chất pectin, tương đối ít đường, cũng thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường ăn. Quả mận có 5 lợi ích chính cho sức khỏe như sau:

Cải thiện tình trạng táo bón

Chất xơ và chất pectin trong quả mận có thể hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ đường tiêu hóa và thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, tăng khả năng giữ nước của phân và làm mềm phân, đồng thời có thể cải thiện tình trạng táo bón bằng thực phẩm giàu chất xơ thô.

Cải thiện môi trường đường ruột

Chất xơ trong quả mận là một prebiotic (chất xơ hòa tan) có lợi, là nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn đường ruột, có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi và cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột.

Lợi tiểu, giải độc

Quả mận chín mươi phần trăm là nước, nước nhiều có thể lợi tiểu, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa nước. Ngoài ra, chất xơ còn có thể giúp làm mềm phân, cải thiện táo bón, giảm thời gian lưu trú của độc tố trong cơ thể, giảm xác suất hấp thu độc tố.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Hàm lượng đường trong quả mận tương đối thấp, cứ 100 gram có 5,8 gram đường, người bệnh tiểu đường có thể đưa quả mận vào trong chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, nếu là quả mận đã lai tạo giống có độ ngọt cao hơn thì các bệnh nhân tiểu đường nên tránh ăn nhiều.

Giúp giảm cân

Quả mận chỉ có 35 calo trên 100 gram, đây là một trong những loại trái cây ít calo. Ngoài ra, chất xơ và nước trong quả mận cũng dễ khiến người ăn cảm thấy mau no. Nếu ăn trước bữa ăn có thể giúp giảm lượng thức ăn ăn vào trong bữa ăn chính, giúp đạt được mục đích kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó sẽ giúp chúng ta từ từ giảm cân.

Quả mận thích hợp cho người bệnh thận và người bệnh tiểu đường, nhưng chú ý số lượng ăn vào

Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Li Wanping cho biết, hàm lượng ion kali trong quả mận thấp, là lựa chọn lý tưởng để bổ sung trái cây cho những người bệnh thận cần ăn chế độ hạn chế kali. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý đến nguyên tắc lượng ăn vào phải phù hợp, khoảng 2 quả mỗi ngày.

So với nhiều loại trái cây khác, quả mận có hàm lượng đường thấp hơn và là thực phẩm có chỉ số GI (tức chỉ số đường huyết) thấp nên bệnh nhân tiểu đường cũng có thể ăn được.

Cũng có nhiều tài liệu nước ngoài chỉ ra rằng, quả mận rất tốt cho việc điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cũng không nên quên chú ý lượng ăn vào, theo khuyến nghị “2 phần ăn mỗi ngày” cho bệnh nhân tiểu đường, tức khoảng 4 đến 6 quả mận cỡ vừa là thích hợp.

Ngoài ra, màu đỏ của vỏ bên ngoài quả mận chính là hợp chất polyphenol tạo màu cho thực vật (anthocyanin), có đặc tính tốt cho sức khỏe như chống gốc tự do, chống viêm, bảo vệ tim mạch và chống ung thư.