Sâu răng là một bệnh phá hoại cấu trúc của răng, đây là bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ những trẻ răng sữa cho đến người già. Vậy nguyên nhân gây sâu răng là do đâu, cách điều trị và phòng ngừa sâu răng như thế nào thì hiệu quả?
1. Vì sao bị sâu răng?
Sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.
Có 3 nguyên nhân chính gây sâu răng ở trẻ em cũng như người lớn là do vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn có thể tồn tại trong miệng, còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 tiếng trong miệng sau khi ăn (tùy thuộc vào hình thức chế biến thức ăn).
Thường xuyên ăn đồ ngọt sẽ dễ bị sâu răng (Nguồn: Internet)
Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp màng bám. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng. Đồng thời chúng tiêu hoá đường để tạo axit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu.
Ngoài ra, nguyên nhân gây sâu răng còn do bản chất của răng. Những trẻ có chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ sâu răng hơn những trẻ khác. Trong quá trình ăn uống không cung cấp đủ canxi, kẽm cũng là nguyên nhân gây sâu răng.
Các đối tượng có nguy cơ bị bị sâu răng sớm bao gồm trẻ thường xuyên dùng các thức uống, thức ăn có đường, có cha mẹ hoặc các anh chị em ruột bị sâu răng, trẻ có dị dạng ở răng...
2. Biểu hiện của sâu răng
Thông thường, bệnh sâu răng có tốc độ phát triển rất chậm, mất khoảng 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng 6 tháng cho đến 1 năm (đôi khi đến 2 năm) đầu thì bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Trường hợp này có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc kẽ giữa 2 răng.
Khi lỗ sâu răng còn nông thì không gây đau nhức, chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì người bệnh mới thấy đau với mức độ nhẹ. Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt.
Khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm, bệnh nhân bị đau tủy răng từng cơn. Nếu không điều trị, lúc này tình trạng sâu răng sẽ diễn tiến nặng hơn. Viêm tủy răng có thể dẫn đến hoại tử tủy, gây áp xe răng. Nhiễm trùng răng sữa có thể ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn ở trẻ. Một số trường hợp nhiễm trùng răng sữa có gây ra nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng lan các vùng khác của mặt.
3. Phương pháp điều trị sâu răng
Tùy theo mức độ tổn thương răng mà có nhiều biện pháp điều trị sâu răng khác nhau để khôi phục tình trạng của răng nhằm có được hình dáng, chức năng và thẩm mỹ thích hợp.
Các phương pháp điều trị sâu răng gồm có:
3.1 Điều trị bằng florua
Florua được sử dụng khi bắt đầu điều trị, có thể giúp phục hồi men răng.
3.2 Trám răng
Trám răng đôi khi được gọi là phục hồi răng, là phương pháp điều trị chủ yếu khi sâu răng đã tiến triển qua các giai đoạn men răng bị xói mòn nhưng trong giai đoạn còn sớm.
3.3 Làm mão răng
Nếu bạn có lỗ sâu rộng hoặc bị yếu đi, bạn có thể cần một mão răng để bọc lấy răng bị sâu.
3.4 Nạo tủy
Khi sâu răng lan đến các thành phần bên trong răng (tủy răng), bạn có thể phải bạo tủy.
3.5 Nhổ răng
Răng buộc phải được nhổ bỏ khi bị hư hại quá nặng.
4. Biện pháp phòng ngừa sâu răng
Dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng hơn (Nguồn: Internet)
Có nhiều biện pháp để ngừa sâu răng như:
- Đánh răng sau khi ăn hoặc ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là đánh răng trước khi ngủ.
- Đánh răng đúng cách là việc quan trọng để làm sạch toàn bộ các răng. Để đánh răng đúng cách bạn nên dùng bàn chải lông mềm, chải mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai, trên và dưới. Bên cạnh đó, bạn nên cầm bàn chải quay 45 độ về phía lợi, chải kỹ rìa lợi và cổ răng.
- Bạn nên dùng kem đánh răng có flour và canxi vì nó có tác dụng làm cho răng cứng hơn, từ đó chống đỡ vi khuẩn và axit tốt hơn.
- Đối với các kẽ răng có giắt thức ăn mà bàn chải không chải hết được thì có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Vi khuẩn cần đường để sống sót, do đó bạn nên hạn chế ăn đường là cách tốt nhất để ngăn ngừa sâu răng.
- Đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên tham khảo ý kiến nha sĩ để được xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng rộng hơn.