Sẽ đến lúc bệnh thông thường cũng vô phương cứu

(VOH) - Kháng thuốc hiện là vấn đề toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, thế giới có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và ước tính chi phí điều trị kháng thuốc lên đến hàng trăm tỷ USD. Một thông tin đáng lo ngại, Việt Nam đã dùng đến kháng sinh thế hệ thứ ba, điều này đồng nghĩa vi khuẩn ngày càng lờn thuốc. Nếu không cải thiện, sẽ đến lúc bệnh thông thường cũng không có thuốc trị

PV Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) trao đổi với Thạc sĩ, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng – trưởng phòng quản lý dược – Sở Y tế TPHCM về vấn đề này. 

---->> Nghe nội dung phỏng vấn : 

 

VOH : Thưa ông, vì sao ngành y tế đưa ra thông điệp “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” ?

Thạc sĩ, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng : Vấn đề kháng thuốc không mới nhưng ngày nay càng nghiêm trọng. Kháng từ các cơ sở khám chữa bệnh lan ra cộng đồng rồi quay về các cơ sở khám chữa bệnh. Việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh hết sức khó khăn. Đó là lý do tại sao Tổ chức y tế thế giới chỉ ra rằng ngày nay đề kháng kháng sinh là mối đe dọa rất nghiêm trọng, là thách thức điều trị trong tương lai.

Thảm họa đề kháng kháng sinh là có thật và sự cảnh báo luôn luôn cần thiết. Tất cả chúng ta phải ý thức vi khuẩn đang gia tăng tính kháng thuốc nhanh chóng trong khi tìm ra kháng sinh mới rất chậm.

VOH : Thực tế, Việt Nam đang sử dụng thậm chí đến kháng sinh thế hệ thứ 3 trong khi các nước khác vẫn sử dụng kháng sinh đời đầu. Để quản lý sử dụng kháng sinh hiệu quả, chúng ta phải kiểm soát được 3 chủ thể người dân, thầy thuốc và hệ thống nhà thuốc bán lẻ như thế nào ?  

Thạc sĩ, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng : Chúng ta phải có tác động đồng thời. Đối với thầy thuốc, chúng ta yêu cầu kê đơn chỉ định dùng kháng sinh theo đúng phác đồ điều trị, phải thường xuyên tổ chức bình đơn thuốc, tránh kê kháng sinh không đúng liều, phối hợp kháng sinh không hợp lý, việc dùng kháng sinh thời gian chưa đủ để đáp ứng điều trị. Chúng ta phải có chế tài mạnh với các bác sĩ lạm dụng kháng sinh và các ban giám sát phải có giải pháp cụ thể để yêu cầu bác sĩ phải thực hiện đúng việc kê kháng sinh an toàn.

Đối với người dân, phải tuyên truyền. Hiện, người dân có thói quen tự đến nhà thuốc mua kháng sinh không có đơn của bác sĩ. Việc sử dụng kháng sinh không đúng làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, tốn kém chi phí, tai biến, lâu dài sẽ dẫn đến kháng thuốc càng phổ biến trong cộng đồng.

 Người dân có thói quen tự đến nhà thuốc mua kháng sinh làm cho kháng thuốc càng phổ biến trong cộng đồng. Hình ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Đối với người bán thuốc, thuốc kê đơn phải có đơn thuốc của bác sĩ đặc biệt là kháng sinh và việc hướng dẫn người dân phải hết sức cụ thể, rõ ràng. Phải cảnh báo người dân tự theo dõi quá trình sử dụng kháng sinh dù có đơn thuốc, nếu có biểu hiện bất thường phải đến cơ sở y tế

VOH :  Thưa ông, là phòng chức năng thì vấn đề kiểm soát các bệnh viện trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP trong dùng kháng sinh được thực hiện thế nào ?

Thạc sĩ, Dược sĩ Đỗ Văn Dũng : Phòng quản lý dược Sở y tế chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các danh mục thuốc trong đó có kháng sinh, sử dụng kháng sinh phải theo hướng dẫn điều trị của quốc gia, của thành phố. Các bệnh viện TPHCM đều có hướng dẫn điều trị khi sử dụng kháng sinh. Bác sĩ hết sức cân nhắc sau khi chẩn đoán, tốt nhất làm kháng sinh đồ. Chỉ dùng kháng sinh khi bệnh nhân thực sự nhiễm khuẩn, tốt nhất phải có xét nghiệm vi sinh, dùng kháng sinh đủ thời gian và chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết.

Hiện nay các bệnh viện điều trị bệnh nhiễm khuẩn nhiều như bệnh viện bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2.. bác sĩ sử dụng kháng sinh hết sức thận trọng, theo dõi quá trình sử dụng thuốc liên tục, thông tin về thuốc trong đó có kháng sinh, rồi bình đơn thuốc liên tục và rút ra kinh nghiệm.

Thuốc là con dao hai lưỡi đặc biệt là kháng sinh. Dùng đúng thì hết bệnh, không đúng thì sẽ dẫn đến tai biến, tác dụng phụ, hậu quả.

VOH : Cảm ơn ông.