Sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật

(VOH) – Thông tin về bé trai tại Thái Nguyên bị hóc hạt nhãn dẫn tới tử vong đang gây rúng động cộng đồng và là lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm của hóc dị vật đường thở ở trẻ.

Hóc dị vật – nguy hiểm khôn lường

Hóc dị vật đường thở là tình trạng có vật lạ lọt vào đường thở, thường xảy ra khi trẻ vừa ăn vừa cười, vừa ăn vừa khóc, hay trong lúc chơi, trẻ nhét dị vật vào mũi họng…

Di vật thường là vật dụng thông dụng trong gia đình, tưởng chừng vô hại như hạt cườm, khuy áo, tăm, đồng xu, miếng nhựa, kim băng, quả bóng, vỏ viên thuốc… hay hạt trái cây (mãng cầu, hồng xiêm, hạt lạc, nhãn chôm chôm) hay thức ăn (cháo, sữa, thạch, rau câu)… 

Lứa tuổi thường hay bị dị vật đường thở là từ 6 tháng - 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ rất tò mò hay cho đồ chơi vào miệng hay chưa biết nhằn hạt, xương khi ăn.

Bác sĩ CK1 Tai mũi họng Nguyễn Hồng Dũng (Bệnh viện An Sinh) cho biết, hóc dị vật đường thở có thể gây tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm như suy hô hấp thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Nhận biết trẻ bị dị vật đường thở

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Dũng, dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị vật đường thở là: Trẻ em đang ngậm hoặc ăn (có thể trẻ đang nhiễm khuẩn đường hô hấp) đột ngột ho sặc sụa, ho có tiếng rít, tím người, khó thở dữ dội, cào cấu giãy dụa, co kéo, vã mồ hôi, có khi tiểu tiện ra quần. Cơn co kéo có thể xảy ra ngắn nếu di vật lọt qua thanh quản hay ho văng ra ngoài hoặc có thể là dị vật nhỏ ít chèn ép, cản trở đường thở.

Trẻ có thể khó thở dữ dội, kéo dài nếu di vật gây phản xạ co thắt thanh quản liên tục và chít hẹp gần như toàn bộ đường thở, có thể gây ngạt thở và tử vong trong chốc lát.

Cách xử lý khi trẻ ngạt đường thở

* Với trẻ dưới 2 tuổi:

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái

- Dùng gốc bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa 2 xương bả vai.

- Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở tím tái, dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào vùng ½ dưới xương ức 5 cái.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì lật trẻ lại vỗ lưng. Luân phiên giữa vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi được ra thì thôi.

* Với trẻ trên 2 tuổi và người lớn thì có thể làm nghiệm pháp Heimlich

Nếu trẻ còn tỉnh thì:

- Đứng sau lưng trẻ vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ.

- Nắm chặt bàn tay thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.

- Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên, mạnh nhanh.

- Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi ra ngoài

Nếu trẻ hôn mê thì:

- Đặt trẻ nằm ngửa, quỳ giữa 2 chân của bệnh nhân

- Đặt gốc bàn tay lên vùng thượng vị dưới xương ức

- Ấn 5 cái dứt khoát nhanh mạnh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên

- Lặp lại 6-10 lần cho tới khi dị vật rơi ra ngoài

- Nếu nạn nhân ngừng thở thì vừa thổi ngạt vừa làm Heimlich

- Sau khi nạn nhân khóc được phải đưa ngay tới bệnh viện để kiểm tra.

Phòng tránh bị hóc dị vật đường thở ở trẻ

Để giúp trẻ tránh bị hóc dị vật đường thở, phụ huynh hoặc người chăm sóc cần đặc biệt chú ý tới việc trông nom trẻ:

- Không nên để trẻ đưa các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút.

- Chỉ cho trẻ ăn các loại trái cây cắt miếng vừa miệng và đã lấy hết hạt: hạt nhãn, vải, mãng cầu, quất, hồng bì, hạt bí, hạt dưa...

- Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, phụ huynh không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn.

- Người lớn cần tránh thói quen ngậm dụng cụ vào miệng khi làm việc.

- Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần sơ cứu và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Bình luận