Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Jama Pediatrics.
Giáo sư Brad Bushman, chuyên gia về Truyền thông đại chúng tại Đại học bang Ohio, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, sự gia tăng này không chỉ xuất hiện trong các thể loại phim tội phạm, điều vốn được coi là dễ hiểu do nội dung thường chứa đựng yếu tố bạo lực, mà còn ở cả các thể loại phim không có yếu tố tội phạm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, xu hướng này có thể phản ánh sự gia tăng các hành vi bạo lực trong phim ảnh, đồng thời kêu gọi việc nâng cao ý thức tiêu thụ nội dung truyền thông và giáo dục truyền thông để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em.
Tranh luận về tác động của bạo lực truyền thông đến người xem vẫn tiếp diễn trong giới nghiên cứu.
Một số nghiên cứu cho rằng, việc tiếp xúc với nội dung bạo lực trên truyền hình và trò chơi điện tử có thể khiến giới trẻ trở nên hung hăng hơn. Trong khi một nghiên cứu được công bố năm 2020 cho thấy, mối liên hệ này là rất nhỏ và phụ thuộc vào khuynh hướng bạo lực sẵn có của người xem.
Ông Bushman và các đồng nghiệp đã phân tích nội dung đối thoại từ 166.534 bộ phim nói tiếng Anh được sản xuất từ năm 1970 đến 2020, sử dụng dữ liệu từ trang web OpenSubtitles.org.
Kết quả cho thấy, gần 7% số phim được phân tích có đoạn thoại chứa các động từ với gốc từ "kill" (giết) hoặc "murder" (sát hại).
Nhóm nghiên cứu đã loại trừ các trường hợp động từ này được dùng trong câu hỏi, phủ định, dưới dạng bị động và không bao gồm các động từ khác như "shoot" (bắn) hoặc "stab" (đâm).
Sau đó, họ đã tính toán tỷ lệ phần trăm các động từ này trong đối thoại của mỗi bộ phim, đồng thời lấy trung bình cho từng năm để phân tích xu hướng.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, mặc dù tỷ lệ các động từ liên quan đến giết người trong phim thay đổi theo thời gian, nhưng xu hướng chung là tăng dần qua các thập kỷ, điều này đúng với cả nhân vật nam và nữ.
Trong thập niên 1970, chỉ 0,21% động từ trong đối thoại có từ "kill" hoặc "murder", nhưng con số này đã tăng lên 0,37% vào năm 2020.
Khi phân tích theo loại phim, các nhà nghiên cứu nhận thấy, việc sử dụng các động từ liên quan đến giết người ở nhân vật nam tăng lên ở cả phim tội phạm và phim không liên quan đến tội phạm, trong khi sự gia tăng chỉ xuất hiện trong các phim không thuộc thể loại tội phạm đối với nhân vật nữ.
Giáo sư Bushman cảnh báo, xu hướng gia tăng nội dung bạo lực trên phương tiện truyền thông có thể gây hiệu ứng tích lũy và ảnh hưởng đến cách con người nhìn nhận thế giới.
Ông cho rằng, nó không chỉ làm tăng hành vi hung hăng mà còn khiến con người trở nên vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Tuy nhiên, Giáo sư Peter Etchells, chuyên gia tâm lý học và truyền thông tại Đại học Bath Spa, Anh, kêu gọi cần thận trọng khi xem xét các kết quả này.
Ông Etchells nhận định, việc đếm từ ngữ liên quan đến giết người trong phim mà thiếu bối cảnh giải thích là một bước suy diễn quá lớn và không đáng lo ngại.