Khoa Y Carver thuộc Đại học Iowa Health Care (Mỹ) đã chia sẻ kết quả từ thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên giai đoạn 2, nhằm kiểm tra tác động của việc bổ sung vitamin C liều cao vào liệu pháp hóa trị truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy.
Kết quả cho thấy, việc tiêm 75 gram vitamin C ba lần mỗi tuần giúp tăng gấp đôi tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối từ 8 tháng lên 16 tháng.
Theo nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Redox Biology, thời gian bệnh không tiến triển cũng được kéo dài từ 4 tháng lên 6 tháng.
Giáo sư Joseph Cullen, giáo sư phẫu thuật và xạ trị tại Đại học Iowa, chia sẻ rằng, những phát hiện mang tính “đột phá” này là kết quả từ 20 năm nghiên cứu về vitamin C.
Các thí nghiệm tại Đại học Iowa cho thấy, việc sử dụng vitamin C với liều lượng cực cao đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.
Ông Cullen giải thích, ở liều lượng cao, ascorbate (vitamin C) sẽ tạo ra hydro peroxide và chính hydro peroxide đã tiêu diệt các tế bào ung thư.
Ngoài ra, các bệnh nhân tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 này có thể dung nạp hóa trị tốt hơn, trong thời gian dài hơn và với liều cao hơn, từ đó góp phần tiêu diệt nhiều tế bào ung thư hơn.
Theo Giáo sư Cullen, việc tiêm vào tĩnh mạch vitamin C liều cao không chỉ hỗ trợ điều trị ung thư tuyến tụy mà còn tiềm năng trong việc chống lại các loại ung thư khác, bao gồm ung thư phổi và não.
Vitamin C, hay axit ascorbic, là một dưỡng chất thiết yếu có trong nhiều loại thực phẩm như cam, cà chua, khoai tây, bông cải xanh, dâu tây, bắp cải và rau chân vịt.
Ở liều thấp, vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa, hỗ trợ tăng trưởng mô, sản xuất collagen, lành vết thương, duy trì sức khỏe xương và da, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, khi liều lượng tăng cao, như 75 gram, vitamin C chuyển sang vai trò chất oxy hóa mạnh, tạo ra các phân tử oxy phản ứng có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, ông Cullen cho biết.
Bác sĩ Joshua Strauss, chuyên gia huyết học và ung thư tại New Jersey, nhận định rằng, các thử nghiệm lâm sàng nhỏ đã cho thấy tín hiệu tích cực rằng vitamin C, một chất dễ mua được và dễ dung nạp, có thể nâng cao hiệu quả hóa trị mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, vẫn cần thận trọng vì ung thư tuyến tụy khó điều trị và nghiên cứu giai đoạn 2 còn hạn chế về cỡ mẫu nhỏ và thiếu sự đa dạng.
Cả tiến sĩ Strauss và các tác giả nghiên cứu đều đồng ý rằng, cần thực hiện các thử nghiệm giai đoạn 3 với quy mô lớn hơn để xác nhận kết quả trước khi áp dụng rộng rãi.