Chia lửa cùng Bệnh viện Hồi sức Covid -19 Thành phố đặt tại Thành phố Thủ Đức, các ê kíp bác sĩ giỏi nghề, những thầy thuốc chuyên ngành gây mê hồi sức đã vượt hàng ngàn cây số để vào ngay tâm dịch, hỗ trợ để chia bớt gánh nặng của đồng đội, giảm bớt mất mát đau thương vì đại dịch tại Thành phố thương yêu của chúng ta.
Được chăm sóc tích cực 2 ngày nay, một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 – xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, đã có thể tỉnh táo để chia sẻ với mọi người rằng, khi nhập viện vào Bệnh viện này thì bệnh tình đã chuyển biến nặng, anh không thở được, xe cấp cứu đưa đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng mê man.
Được điều trị tích cực, sau hai ngày, anh đã có thể tự nói chuyện và tự ăn cháo được. Trong số hàng trăm bệnh nhân đang điều trị tại đây, những người nặng như anh đều được điều dưỡng y, bác sĩ vệ sinh, đút cơm, cháo, lo chu toàn mỗi ngày.
Cuối tháng 7, khi tình hình bệnh nặng tăng cao tại TPHCM, để chia lửa với Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Bộ Y tế triển khai khẩn cấp giao các Bệnh viện tuyến Trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức trên địa bàn TPHCM, bằng mọi giá phải đưa vào hoạt động để kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân nặng.
Ngay sau khi nhận chỉ đạo này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã có mặt ngay tại địa điểm thiết lập Trung tâm Hồi sức Cấp cứu Covid-19 tại huyện Bình Chánh để khảo sát, chuẩn bị các thứ từ cơ sở vật chất, nguồn oxy, đến hệ thống máy móc phục vụ công tác hồi sức cấp cứu cũng được khẩn trương chuyển từ Hà Nội vào. Vì đây là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch nên mọi thứ phải càng sớm càng tốt.
Lực lượng y bác sĩ cùng đơn vị thi công đã làm việc xuyên ngày đêm với khát vọng nhanh chóng cứu chữa bệnh nhân kịp thời. Có thể nói, việc thành lập trung tâm này rất "thần tốc", tiếp nhận bệnh theo tiến độ hoàn thiện số giường với quy mô 500 giường.
TS.BS Lưu Quang Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết : “Bọn mình nhận bệnh nhân chủ yếu từ Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc Trung tâm điều phối của Sở Y tế TPHCM. Vào Thành phố để hỗ trợ thì mình luôn mong nhận nhiều nhất bệnh nhân có thể, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để điều trị bệnh nhân tốt nhất”.
GS.TS Trần Bình Giang - vị "thủ lĩnh" tại trung tâm hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Dã chiến số 13 luôn có mặt từ những ngày đầu khi mọi thứ chưa hoàn thiện và túc trực sẵn sàng cho đến nay, luôn quán triệt tinh thần với anh em bác sĩ từ Hà Nội : "Tại trung tâm hồi sức này, chúng tôi có 350 cán bộ y tế tự nguyện xung phong vào đây. Đưa vào hoạt động được một tuần, số lượng bệnh nhân nhận rất nhiều, nặng có, tử vong cũng có nhưng tinh thần y bác sĩ tại đây hết sức vững vàng, không ai nao núng cả, quyết tâm cùng đồng nghiệp TPHCM chống dịch, cứu lấy tính mạng người bệnh”.
Ngoài tập trung cao độ lo cho bệnh nhân - đặc biệt là bệnh nhân khu vực hồi sức cấp cứu, thì tranh thủ ban đêm, các bác sĩ còn thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình, tiếp tục hoàn thiện lắp đặt máy móc cho những khu vực mới. Hễ bàn giao block nào xong, ê kíp bằng mọi giá khẩn trương trong đêm để đưa vào phục vụ người bệnh.
Ngoài Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện Dã chiến 16, tọa lạc đường Đào Trí, Quận 7 đã và đang tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng.
Từ ngày vào khảo sát rồi thiết lập khẩn cấp trung tâm Hồi sức tích cực tại đây, các bác sĩ trăn trở, lo lắng làm sao và nỗ lực như thế nào để nhiều bệnh nhân nặng sẽ trở về cuộc sống đời thường.
Để chuẩn bị tốt nhất có thể, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào 250 y, bác sĩ hàng đầu về hồi sức tích cực. Bên cạnh đó là các chuyên gia từ hàng loạt cơ sở y tế khác sẽ tiếp tục tăng cường vào đây. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Anh em y tế đi đến vùng đất xa xôi, nhiều khi ngôn ngữ không hiểu hết được, nói nhanh thậm chí cũng không hiểu hết ý. Làm sao để thu thập thông tin, chuyển tải thông tin từ các bạn bè, đồng nghiệp, làm thế nào tương tác giao lưu với người bệnh khi có khác biệt nho nhỏ về mặt ngôn ngữ. Chúng tôi sợ nhân viên y tế, y bác sĩ của mình bị tâm lý đè nặng, căng thẳng làm cho anh em đuối sức hay suy sụp nhưng tất cả đều đó không xảy ra”.
Một số bác sĩ đang điều trị trong phòng hồi sức tích cực tại các trung tâm hồi sức cho biết, họ sẵn sàng tinh thần xung phong vào tâm dịch. Xa gia đình, xa người thân, làm việc trong môi trường đặc biệt nhưng mỗi người đều xác định xem người bệnh nặng như người người thân của mình vậy, luôn giúp bệnh nhân tất cả mọi việc, họ vẫn thầm lặng không nề hà gì.
GS.TS Trần Bình Giang đúc kết một tinh thần thép của anh em hồi sức cấp cứu khi đã xác định xông pha: “Tôi nghĩ Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn, số lượng người dân rất đông, đây là áp lực rất lớn cho ngành y tế. Thứ hai tình hình bệnh rất phức tạp, bệnh nặng tăng lên gây nên quá tải cho hệ thống y tế Thành phố. Do vậy, Bộ y tế điều các bệnh viện trung ương vào đây hỗ trợ. Các bệnh viện ở Hà Nội, các tỉnh khi ra đi thì đều coi người bệnh tại đây là đồng bào nên ai nấy đều không quản ngại đường xa xôi, xa gia đình, xa người thân”.
“Mỗi chúng ta là một mảnh ghép để trả bình yên về cho cuộc sống muôn màu” – đó là tâm sự của một bác sĩ từ Hà Nội, đang cùng hàng ngàn bác sĩ xung phong tình nguyện đến Thành phố thương yêu của chúng ta, cùng hiệp sức với đội ngũ y bác sĩ TPHCM chống dịch với ước mong thiết tha là Thành phố sớm trở về bình yên, trả về cuộc sống những gì vốn có của nó!