Thành tựu y khoa Việt Nam 2021: Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120 kg nhiễm Covid-19

(VOH) - Đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố những ngày cuối năm Tân Sửu 2021, ở một góc nhỏ hành lang của bệnh viện có một bệnh nhân nhỏ tuổi đang tập luyện những bước đi chầm chậm.

Nghe nội dung: Hành trình vượt qua “cửa tử” của bé trai 120 kg nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch

Nhìn thân hình cao to, nặng hơn 100 kg của em, không ai có thể ngờ rằng cậu bé mới 15 tuổi ấy vừa trải qua những tháng ngày thập tử nhất sinh. Đó chính là Lê Minh Phong, người được các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố gọi đùa là “tiểu phi công”, bởi em cũng từng lâm vào tình huống hiểm nghèo như bệnh nhân phi công người Anh nổi tiếng và cũng đã chiến thắng với bệnh tật. 

Sinh ra trong một gia đình khó khăn, cha mất sớm, trong khi các bạn bè cùng trang lứa còn “ăn chưa no, lo chưa tới” thì mới 11 tuổi Phong đã nghỉ học để cùng mẹ và anh vất vả mưu sinh. Cơn bão Covid-19 quét qua khiến cả nhà lao đao vì thu nhập giảm sút chưa đủ, Phong và bà nội được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. 

Ngày 4/11/2021, Phong được đưa vào khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng khó thở, tím tái, chỉ số SpO2 chỉ còn 78% (bình thường 96-98%). Ekip cấp cứu đánh giá em nhiễm Covid-19 nặng nguy kịch trên cơ địa béo phì độ III, là yếu tố nguy cơ với rất nhiều bệnh tật không riêng Covid-19.

Và những ngày sau tình trạng của Phong trở nên nặng dần, em mất đi ý thức, cảm giác mình đã bước chân vào cửa tử.

Minh Phong nhớ lại: “Từ ngày đầu vô, con tỉnh, nhưng đêm 2 là con bất tỉnh, không nhớ gì hết… Con tưởng con không qua khỏi, gia đình khóc, con cũng tưởng con ra đi rồi. Mọi người rất quan tâm, chăm sóc cho con. Con có được nói chuyện với bác sĩ, được tỉnh lại là con vui lắm rồi, mẹ cũng vui, mẹ khóc, mẹ rất cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng…”

Thời điểm đó hình ảnh X-quang phổi của Phong cho thấy, tổn thương phổi nặng lan tỏa 2 bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nặng; xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh; cơn bão Cytokine xuất hiện càng làm tình trạng em nặng hơn.

Em được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập với thông số cao, hội chẩn truyền kháng thể miễn dịch, lọc máu liên tục và thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau đó 2 ngày em sốt cao, thở mệt, tím tái, oxy máu giảm PaO2 50mmHg (bình thường 70-100mmHg), SpO2 giảm còn 84%.

Nhận thấy tình trạng nhiễm trùng, viêm phổi bội nhiễm, các bác sĩ đã đặt lại nội khí quản giúp thở và tiếp tục chạy ECMO. Những ngày tháng đó, nỗi đau lại ập đến gia đình Phong khi bà nội của em cũng qua đời vì Covid-19. Chị Trần Lệ Liên - mẹ của Phong lúc đó gần như rơi vào tuyệt vọng.

Với sự nỗ lực phi thường của Minh Phong cùng với sự tận lực tận tâm của các bác sĩ, hộ lý, nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - tử thần cũng phải đầu hàng, sau 26 ngày chạy ECMO, 4 lần lọc máu hấp phụ, điều trị kháng sinh, kháng nấm, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, điện giải, hỗ trợ cơ quan gan thận, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu, chăm sóc răng miệng, xoay trở chống loét… tình trạng của Minh Phong cải thiện dần: ngưng ECMO, ngưng thở máy xâm nhập, sau đó ngưng dần các hỗ trợ hô hấp.

Em tự thở được với khí trời, sức khoẻ từng bước hồi phục. Em được xuất viện sau 3 lần xét nghiệm RT-PCR âm tính, trải qua 51 ngày nằm viện.

Chia sẻ về 51 ngày đêm chiến đấu vởi tử thần, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nói: “Trẻ mới 15 tuổi nhưng cân nặng tới 120kg, gây khó khăn cho các ekip điều trị như phải điều chỉnh cân nặng để sử dụng thuốc và dịch truyền phù hợp nhằm tránh quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, hoặc nhằm tránh thiếu hụt dịch gây giảm tưới máu các cơ quan, khô đàm tắc đàm đường hô hấp; kèm theo đó là các khó khăn trong trong công tác điều dưỡng và chăm sóc vệ sinh thân thể, xoay trở chống loét”.

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, khi các bạn đồng trang lứa còn đang mải mê lên kế hoạch đi chơi Tết, mua sắm… thì Phong vẫn đang miệt mài với các bài tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động, hỗ trợ tâm lý, điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý, tái khám tần soát các di chứng thần kinh cảm giác vận động, trí nhớ…

Mong ước lớn nhất của em lúc này là được mau chóng khỏe lại, để có thể cùng mẹ và anh tiếp tục con đường mưu sinh còn nhiều chông gai phía trước. Trên hành trình đó chắc chắn Phong sẽ luôn ghi nhớ trong lòng hình ảnh màu áo xanh, áo trắng của các cô chú y bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nơi đã mang em về từ bên kia cánh cửa tử thần!