Thí điểm phương pháp theo dõi đường huyết liên tục

(VOH) - Đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân theo phác đồ điều trị, chế độ ăn uống hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh.

Bác sĩ Mã Tùng Phát - Khoa Nội tiết  - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố cho biết, đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân theo phác đồ điều trị, chế độ ăn uống hợp lý đồng thời theo dõi đường huyết chính là yếu tố then chốt giúp người bệnh chủ động hơn trong kiểm soát tình trạng bệnh.

Trước đây, phần lớn người bệnh đái tháo đường sẽ theo dõi đường huyết tại nhà bằng các máy thử đường huyết mao mạch. Để thử đường huyết, người bệnh sẽ dùng kim để trích máu từ đầu ngón tay nên thường gây đau, sợ hãi và đôi khi là e ngại khi phải thử đường huyết trước mặt người khác. Trong những năm gần đây, người ta biết đến thiết bị theo dõi đường huyết liên tục.

thi-diem-su-dung-phuong-phap-theo-doi-duong-huyet-lien-tuc-voh.com.vn-anh1
BSCKI. Mã Tùng Phát khám cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố, các bác sĩ khoa Nội tiết cũng đã thí điểm sử dụng phương pháp theo dõi đường huyết liên tục từ năm 2020. Trong khoảng nửa năm trở lại đây, số người bệnh được sử dụng tăng lên khá nhiều. Chi phí sử dụng thiết bị này tuy không thấp, nhưng nếu so với chi phí phải nhập viện để điều trị tình trạng tăng hay hạ đường huyết thì sẽ thấp hơn rất nhiều.

Thiết bị theo dõi đường huyết liên tục thường gồm một cảm biến gắn ở da thường ở vùng bụng hoặc mặt dưới cánh tay và một thiết bị đọc kết quả đường huyết để đo đường huyết liên tục 24/24. Ngoài ra, người bệnh còn có thể sử dụng điện thoại thông minh để đọc kết quả từ các cảm biến.

Với thiết bị này, người bệnh và người nhà người bệnh có thể xem đường huyết mỗi vài phút, bất kể khi nào, người bệnh không cảm giác đau khi phải trích máu từ ngón tay. Cải tiến của thiết bị này là thay vì đo đường huyết trực tiếp từ máu, thì người bệnh đo đường huyết gián tiếp trong dịch mô kẽ.

Một điểm mạnh của các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục chính là khả năng lưu trữ và chuyển tiếp các dữ liệu.

Chính vì vậy, bác sĩ hoặc người nhà người bệnh có thể truy cập trực tiếp dữ liệu đường huyết của người bệnh để đưa ra các hỗ trợ và tư vấn cần thiết, kịp thời.

Khuyết điểm của phương pháp này là giá thành hiện tại khá cao, chưa phù hợp khả năng chi trả cho phần lớn người bệnh. Mặt khác, để sử dụng các thiết bị này hiệu quả, người bệnh cần phải có những hiểu biết cơ bản về công nghệ.

Tuy nhiên, bác sĩ Mã Tùng Phát lưu ý, các thiết bị theo dõi đường huyết là một phương tiện, không phải một phương thức điều trị. Do đó, người bệnh không nên quá lệ thuộc vào những công nghệ này mà bỏ quên các bước theo dõi, tái khám, điều trị cơ bản theo chỉ định của bác sĩ.