Trước đó, thông tin Cục Quản lý Dược thông báo dừng sử dụng 57 loại thuốc chứa hoạt chất valsartan của công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical – Trung Quốc, được kết luận là có chứa tạp chất gây ung thư, được chỉ định sử dụng điều trị cao huyết áp, suy tim và sau nhồi máu cơ tim. Công tác thu hồi thuốc đang được tiến hành khẩn trương trên phạm vi cả nước.
TPHCM là trung tâm y tế lớn với nhiều bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa trên địa bàn, do vậy lưu lượng thuốc được phân phối tại đây rất lớn. VOH phỏng vấn của với Dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược – Sở Y tế TP xung quanh vấn đề này.
VOH: Thưa ông, trước thông tin Cục Quản dược – Bộ Y tế đã thu hồi 57 mặt hàng thuốc có chứa hoạt chất valsartan gây ung thư thì công tác thu hồi số thuốc này trên địa bàn TPHCM được tiến hành như thế nào?
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng: Sở Y tế TPHCM đã có văn bản thông báo thu hồi 57 mặt hàng thuốc valsartan có nguồn gốc từ nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc. Hiện cổng thông tin điện tử của Sở đã có đăng tải. Sở Y tế đã có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất các thuốc có nguyên liệu valsartan này đồng thời đã có văn bản gửi các phòng y tế quận, huyện. Hiện tại Sở Y tế đã tổ chức đi hậu kiểm khá nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP thấy rằng các nhà thuốc cũng đã thu hồi, rồi các công ty cũng đã thu hồi thuốc. Trong thời gian ngắn nữa thôi các công ty và nhà thuốc sẽ báo cáo tình hình thu hồi thuốc cho Sở Y tế TPHCM để tổng hợp báo cáo cho Bộ Y tế.
VOH: Thưa ông chúng ta lo ngại ở hệ thống bán lẻ làm sao để công tác thu hồi một cách triệt để nhất là với người dân vùng sâu vùng xa như Cần Giờ, hay Củ Chi để người dân biết mà không mua những loại thuốc này, vì thực tế thông tin nhiều khi chưa đến được với người dân ở những vùng xa?
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng: Quan trọng nhất vẫn là các cơ quan truyền thông cung cấp các thông tin cho người dân, không phải tất cả các thuốc trị tăng huyết áp chứa valsartan đều thu hồi mà chỉ thu hồi các valsartan có nguyên liệu từ nhà máy Trung Quốc đã được chỉ định thông báo từ cơ quan chức năng mới thu hồi.
Valsartan trị tăng huyết áp dù điều trị mãn tính nhưng là thuốc kê đơn nên thuốc kê đơn chỉ trong thời gian ngắn, khi bệnh nhân nhận về sử dụng chưa hết khi có thông tin thì họ trả lại cho nhà thuốc, nhà cung cấp thì hiện nay các nhà cung cấp đang nhận lại.
Vấn đề quan trọng là người dân biết mà trả lại cho nhà thuốc hay bệnh viện. Tai những huyện xa như Củ Chi, Cần Giờ, thì Sở Y tế TP trong cuộc họp gần đây nhất cũng đã thông báo cho trưởng phòng y tế của các huyện xa và họ đã nắm thông tin. Hiện các phòng y tế đã gửi văn bản cho từng nhà thuốc và cũng đi kiểm tra các nhà thuốc còn bán hay không.
Bất kỳ nhà thuốc nào sau khi đã bán thuốc cho bệnh nhân rơi vô trường hợp phải thu hồi thì phải nhận lại thuốc đó, là bắt buộc không được từ chối. Người dân tiếp tục theo dõi trên phương tiện truyền thông để nắm thông tin. Hiện nay vấn đề valsartan không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới sản xuất thuốc lấy nguyên liệu từ nhà máy này của Trung Quốc, do vậy đó là công việc chúng ta cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt để có thể thu hồi hết thuốc valsartan có nguyên liệu từ nhà máy Trung Quốc này trên thị trường Việt Nam
Hình minh họa: Sở Y tế TP
VOH: Thưa ông, 57 mặt hàng thuốc thì rất là nhiều, khu trú lại những loại thuốc nào bệnh nhân mình ưa dùng nhất là điều trị cao huyết áp hay sau nhồi máu cơ tim để người dân biết trả lại nhà thuốc hoặc sẽ không mua nữa thưa ông?
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng: Các thuốc đó đã nằm trong danh mục thông báo của Bộ Y tế, tuy nhiên các valsartan khác vẫn dùng và hiện chúng ta không sợ thiếu thuốc vì cùng nhóm với valsartan vẫn có Telmisartan cũng được sử dụng rất nhiều, thậm chí những valsartan được sản xuất không từ nguyên liệu của nhà máy Trung Quốc vẫn đang lưu hành.
Liên quan đến việc nhận dạng 57 mặt hàng thuốc valsartan có nguồn gốc từ nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc, người dân có thể truy cập vào website của Sở Y tế TP theo địa chỉ http://qlduoc.medinet.gov.vn để biết chi tiết không sử dụng các nhãn thuốc này. Nếu người dân đang sử dụng thì trả lại cho bệnh viện hoặc nhà thuốc đã mua.