Chờ...

Thực đơn cho trẻ béo phì

(VOH) – Tập cho trẻ béo phì giảm ăn là một việc khó làm, dễ bỏ cuộc mà nhiều ông bố bà mẹ gặp phải.

Thạc sĩ bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM chia sẻ “bí kíp” đơn giản mà hiệu quả.

Khi bác sĩ khám bệnh nói rằng bé hơi tròn thì các bà mẹ thường ngạc nhiên, cho rằng con mình phát triển như vậy là bình thường. Còn khi chính các bà mẹ thấy con mình có vẻ tròn thì các bé thường đã ở mức độ béo phì độ 1.

Hình minh hoạ. Nguồn: internet

Nghe nội dung tư vấn từ bác sĩ Đào Thị Yến Phi:

Điều đáng lo ở những trẻ thừa cân là bé dậy thì sớm.

Với những trẻ dậy thì sớm,  thời gian phát triển chiều cao thường bị rút ngắn lại. Ví dụ, khi các bạn cùng lứa phát triển bình thường, thời gian tăng chiều cao trong độ tuổi dậy thì có thể kéo dài đến hơn 15 tuổi thì trẻ dậy thì sớm đã ngưng phát triển chiều cao từ 12 tuổi.

Với những trẻ này, cha mẹ cần kiên định trong việc thiết lập chế độ dinh dưỡng cho con. Tuy vậy, thật không dễ thành công khi trẻ trong tuổi ăn tuổi ngủ.

Có phụ huynh cắt hẳn phần sữa của con và cho bé vận động nhiều để bé tiêu hao năng lượng, giảm cân.

Bác sĩ Yến Phi cho biết đây không phải là cách làm đúng. Trẻ luôn cần đủ sữa để tăng chiều cao.

Các bé béo phì cần giảm ăn nhưng lại phải tăng lượng sữa để cân bằng chiều cao và cân nặng.

Cách đơn giản nhất là cho bé uống 200ml sữa không béo, không đường trước các bữa ăn chính, đồng thời giảm lượng thức ăn trong bữa. Để bé không bị đói, mẹ có thể tăng thêm lượng rau trong bữa cơm.

Ngoài ra, hạn chế cho bé ăn thực phẩm chứa nhiều chất bột, thức ăn có vị ngọt, thức ăn chiên, quay.