Thuyên tắc phổi: nguyên nhân và cách phòng bệnh

(VOH) - 80% các trường hợp thuyên tắc phổi không có triệu chứng, 20% còn lại có các triệu chứng không đặc trưng như: đau ngực; nhịp tim nhanh hoặc không ổn định; chóng mặt; khó thở hay nhịp thở nhanh; ho hoặc ho ra máu.

Thuyên tắc phổi là gì ?

Thuyên tắc phổi (pulmonary embolism) xuất hiện khi có một vật gây tắc nghẽn làm cản trở dòng máu chảy qua động mạch phổi. 90% trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ cục máu đông hình thành ở chân hoặc tay (trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu). Khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây tắc mạch phổi, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và bị vỡ, cho phép một cục máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng lên phổi.

Nhưng kích thước của nó quá lớn để có thể qua được những mạch máu nhỏ ở phổi nên sẽ gây ra sự tắc nghẽn tại đó.

Bệnh nhân sau thuyên tắc phổi bị giảm chất lượng cuộc sống vì biến chứng tăng áp phổi mạn tính và suy tĩnh mạch mạn chi dưới. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là bệnh thường gặp nhưng rất khó chẩn đoán do triệu chứng lâm sàng không điển hình, dễ nhầm lẫn với những nguyên nhân khác, các xét nghiệm sinh học không thể xác minh, cần phải nhờ đến chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao mới xác định được.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng – Khoa Nội-Tim-Mạch bệnh viện Chợ Rẫy tư vấn

Nguyên nhân và các đối tượng có nguy cơ

Nguy cơ mắc thuyên tắc phổi tăng theo độ tuổi. Những người có nguy cơ cao là những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc có tiền sử thuyên tắc phổi.

Có 3 nhóm yếu tố làm tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, do đó tăng nguy cơ thuyên tắc phổi gồm: tổn thương thành mạch, trạng thái tăng đông và ứ trệ tuần hoàn (gọi chung là "tam giác Virchow").

Phòng bệnh có khó không?

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng – Khoa Nội-Tim-Mạch bệnh viện Chợ Rẫy tư vấn

Do không có hoặc có các triệu chứng lâm sàng không đặc trưng nên việc đánh giá mức độ nguy cơ bệnh nhân đang có, từ đó biết được xác suất mắc bệnh để có biện pháp dự phòng là cách tiếp cận tốt nhất.

Bệnh nhân có nguy cơ cao có nhiều cách phòng bệnh như dùng thuốc chống đông máu, sử dụng tất băng, nịt tránh tạo thành cục máu đông.

Ngoài ra có những cách để giảm nguy cơ thuyên tắc huyết khối như: rèn luyện, luyện tập thể dục thường xuyên; không nên nằm lâu ngày sau khi phẫu thuật bụng, khớp, sau tai biến mạch máu não; sản phụ cần đi lại, nằm đúng tư thế để tránh cho thai không gây chèn ép tĩnh mạch chậu.