Tiền đái tháo đường cần được cảnh báo như một hiểm họa đe dọa sức khỏe

(VOH) - Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế năm 2019, toàn thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 mắc tiền đái tháo đường, tương ứng với 7,5% dân số.

Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ người bị mắc tiền đái tháo đường chiếm 8,6%, tương đương 5,3 triệu người, gấp 1,4 lần so với bệnh nhân đái tháo đường.

Dự báo đến năm 2045, số người mắc tiền đái tháo đường trên toàn thế giới sẽ tăng lên 548,4 triệu người trong đó chỉ tính riêng Việt Nam sẽ có khoảng 7,9 triệu người mắc tiền đái tháo đường, tăng 47% so với năm 2019.

GS.TS. Trần Hữu Dàng - chủ tịch Hội nội tiết - ĐTĐ Việt Nam phát biểu trong chương trình

Thông tin trên một lần nữa được khuyến cáo tại Ngày hội Nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường, hưởng ứng ngày Đái tháo đường Thế giới 14/11 tổ chức vào ngày 7/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.Chương trình là một trong những sự kiện nối tiếp chuỗi hành động “Tiền đái tháo đường – Thay đổi tương lai ngay hôm nay” hưởng ứng chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 do Merck Export GmbH Việt Nam (Merck Việt Nam) đồng hành cùng Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam tổ chức.

Trong chương trình, hơn 300 khách mời tham gia, ngoài được tiếp cận những thông tin hữu ích về tiền đái tháo đường còn được hướng dẫn xác định các yếu tố nguy cơ để có thể khám và tầm soát tiền đái tháo đường sớm. Bên cạnh đó, mọi người còn được hướng dẫn những bài tập hoặc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống giúp đẩy lùi tiền đái tháo đường, tức ngăn chặn từ sớm nguy cơ phát triển thành đái tháo đường tuýp  2 – hiểm hoạ của toàn nhân loại.

Tại Ngày hội Nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam khuyến cáo, hệ lụy từ căn bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể được ngăn chặn rất sớm từ giai đoạn “mầm mống” - tức tiền đái tháo đường.

Tuy nhiên, bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường trước khi mắc đái tháo đường mà không hề hay biết. Hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường qua các đợt khám sức khoẻ hoặc qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó.

Việc khám và tầm soát tiền đái tháo đường chưa được người dân chủ động thực hiện. Đã đến lúc phải xem tiền đái tháo đường như một hiểm hoạ cần được cảnh báo. Do vậy, việc giúp người dân có nhận thức đúng đắn về tiền đái tháo đường cũng như có ý thức tầm soát sớm khi nhận thấy các dấu hiệu nguy cơ sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc đái tháo đường trong cộng đồng. Điều này không chỉ có lợi cho chính người bệnh mà còn giảm gánh nặng lên hệ thống y tế.

Bình luận