Chờ...

Tiền đái tháo đường: yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường và bệnh tim mạch

(VOH) - Hội thảo Quốc tế chuyên đề: “Rối loạn tim mạch chuyển hóa trong thực hành lâm sàng” có sự hiện diện của các chuyên gia đầu ngành về nội tiết và tim mạch Việt Nam cũng như quốc tế.

Thông tin tại Hội thảo Quốc tế chuyên đề “Rối loạn tim mạch chuyển hoá trong thực hành lâm sàng” do Tổ chức phi lợi nhuận EXCEMED (Excellence in Medical Education) tổ chức tại khách sạn Intercontinental, TPHCM vào ngày 8/9, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tần suất cao về bệnh đái tháo đường (5,5% dân số ở độ tuổi 20 - 79, số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế IDF 2017) và tiền đái tháo đường (13,7%, số liệu năm 2012) nhưng nhận thức của người dân về bệnh và phòng ngừa lại chưa cao. 

Chi phí cho điều trị đái tháo đường ở Việt Nam khá thấp so với chi phí điều trị những bệnh mạn tính khác, đặc biệt là bệnh tim mạch, thận và nhiễm trùng.

Quang cảnh buổi hội thảo

Vào năm 2007, ước tính chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam vào khoảng 320 triệu USD nhưng dự báo sẽ tăng lên 1,1 tỷ USD trước năm 2025. Tính ra hiện nay mỗi bệnh nhân đái tháo đường bỏ ra khoảng 34,41 USD/tháng cho thuốc men và đi lại khám bệnh, tương ứng 18% thu nhập bình quân đầu người.

Tiền đái tháo đường là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đái tháo đường và bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường cũng giống như đái tháo đường typ 2 bao gồm thừa cân, tuổi cao, chế độ ăn - dinh dưỡng không hợp lý và thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc và có tiền sử gia đình. Những người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao như trên nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tầm soát sớm nhầm giúp chẩn đoán sớm và có biện pháp can thiệp kiệp thời.