Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) về những rắc rối mà chị em phụ nữ sẽ trải qua khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
1. Giai đoạn tiền mãn kinh là gì?
Bác sĩ Bay cho biết tiền mãn kinh và mãn kinh được xem là giai đoạn thứ 3 trong sự phát triển về sinh lý của người phụ nữ. Chúng ta biết rằng, kinh nguyệt của người phụ nữ không chỉ do buồng trứng chi phối mà có sự phối hợp của toàn thân, đặc biệt là các tuyến nội tiết.
Tuyến yên đảm nhận vai trò sản xuất ra 2 loại nội tiết tố cho cơ thể là estrogen và progesterone. Do đó, vấn đề tiền mãn kinh không phải chỉ do buồng trứng suy yếu, giảm sản xuất estrogen và progesterone mà còn do các vấn đề của tuyến yên.
Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh có những thay đổi gì? (Nguồn: Internet)
Khi phụ nữ bước vào tuổi 30 trở đi, lượng estrogen và progesterone mỗi năm sẽ bắt đầu giảm sút. Giai đoạn từ 30 – 45 tuổi, mỗi năm 2 nội tiết tố này sẽ giảm từ 1 – 1.5%, nhưng đến khi 45 tuổi, nội tiết tố sẽ giảm sút nhiều hơn từ 20 – 30%. Khi nội tiết tố estrogen và progesterone giảm nhiều như vậy sẽ bắt đầu có những rối loạn.
2. Ảnh hưởng của giai đoạn tiền mãn kinh đến sức khỏe phụ nữ
Bác sĩ Bay cho biết trên thực tế, đa số phụ nữ đều trải qua giai đoạn tiền mãn kinh khá khó khăn, nhưng cũng có một số chị em “đi qua” giai đoạn này vô cùng nhẹ nhàng. Điều này còn phụ thuộc vào lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện cũng như các bệnh nền đang có ở mỗi trường hợp.
Với những trường hợp chị em đang mắc những bệnh nền, có yếu tố di truyền, bệnh lý về miễn dịch,…thì thời kỳ tiền mãn kinh sẽ xảy ra “khủng khiếp”. Theo đó, chị em có thể gặp những rắc rối về mặt tâm lý cũng như sức khỏe, có thể kể như:
- Da nhăn và khô hơn.
- Tóc bắt đầu có vài sợi bạc.
- Độ đàn hồi của lớp mỡ dưới da kém nên nhiều vùng da sẽ chùng xuống, nhăn nheo hơn.
- Đồi mồi trên da bắt đầu xuất hiện và ngày càng nhiều.
- Tính tình hay bực bội, hờn giận.
- Cơn bốc hỏa.
- Khô niêm mạc âm đạo do chất nhờn giảm tiết, đau khi quan hệ, sinh hoạt vợ chồng kém, từ đó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
- Tâm lý trở nên phức tạp và ngày càng nặng.
Như vậy, sự suy yếu của buồng trứng và các vấn đề của tuyến yên do quá trình lão hóa khiến nội tiết estrogen và progesterone không được sản xuất đầy đủ đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ.
3. Có nên sử dụng hormone thay thế?
Nhiều chị em phụ nữ cảm thấy khó chịu khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, vì vậy họ nghĩ đến việc sử dụng hormone thay thế với mục đích “thiếu gì thì bổ sung đó” để giảm bớt các triệu chứng. Vậy điều này có tốt không?
Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, khi những rắc rối của giai đoạn tiền mãn kinh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống, trong đó có sinh hoạt vợ chồng thì người thầy thuốc có thể chỉ định cho chị em sử dụng nội tiết tố thay thế. Nội tiết tố thay thế sẽ giúp duy trì lại kinh nguyệt và duy trì lại hoạt động của buồng trứng để buồng trứng tiếp tục sản xuất estrogen và progesterone như bình thường.
Nội tiết tố thay thế liệu có tốt? (Nguồn: Internet)
Thông thường, các trường hợp mãn kinh sớm có thể sử dụng hormone thay thế. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng nội tiết tố như một “con dao 2 lưỡi”. Khi chúng ta cung cấp vào mà thiếu sự theo dõi thường xuyên hoặc sử dụng nội tiết tố không đúng thì nó có thể gây ra những bệnh lý như ung thư vú hoặc ung thư tại chỗ,…
Chính vì vậy, khi có những biểu hiện rối loạn giai đoạn tiền mãn kinh thì chị em nên đến gặp thầy thuốc chuyên khoa sản phụ. Họ là những người có đủ kiến thức và kinh nghiệm để khuyến cáo mình nên sử dụng cái gì cho giai đoạn này, sử dụng trong bao lâu và theo dõi như thế nào. Khi đó, chị em mới an tâm trong việc sử dụng nội tiết tố thay thế.
Xem nội dung bài viết nhanh hơn qua video này: