Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Rối loạn nội tiết tố là gì? Cách điều trị bệnh cho cả nam và nữ

(VOH) - Rối loạn nội tiết có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Một số thói quen thường gặp hàng ngày có thể là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ rối loạn nội tiết hoặc do nhiều bệnh lý gây ra.

1. Rối loạn nội tiết tố là gì?

Rối loạn nội tiết tố hay còn gọi là rối loạn hormone, xảy ra khi có quá nhiều hoặc quá ít hormone trong máu. Hormone là các hóa chất được sản xuất ra trong hệ nội tiết. Hormone sẽ di chuyển theo dòng máu đến các tế bào và cơ quan, phát tín hiệu hoạt động cho các cơ quan. Hormone giúp điều hòa các hoạt động quan trọng của cơ thể như:

cach-dieu-tri-roi-loan-noi-tiet-to-nu-va-nam-voh-1

Nam và nữ giới ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể bị rối loạn nội tiết tố (Nguồn: Internet)

  • Nhịp tim.
  • Thân nhiệt.
  • Chu kỳ giấc ngủ.
  • Tâm trạng và mức độ căng thẳng.
  • Sự tăng trưởng và phát triển cơ thể.
  • Chu kỳ sinh sản và chức năng sinh dục.
  • Quá trình chuyển hóa và cảm giác thèm ăn.

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất cân bằng hormone insulin, steroid, hormone tăng trưởng và adrenaline. Mặt khác, phụ nữ có thể gặp phải sự mất cân bằng estrogen và progesterone, trong khi đàn ông có thể trải qua sự mất cân bằng testosterone.

2. Nguyên nhân làm rối loạn nội tiết

Do điểm sinh lý khác nhau nên nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố ở nam và nữ cũng khác nhau:

  • Đối với nữ giới: Nguyên nhân rối loạn nội tiết tố có thể do các bệnh lý như ung thư buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng suy buồng trứng, mãn kinh,…
  • Đối với nam giới: Nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố có thể do ung thư tuyến tiền liệt hoặc suy chức năng tuyến sinh dục nam do hormone testosterone thấp.

Bên cạnh đó, có nhiều thói quen, lối sống sinh hoạt hàng ngày và yếu tố môi trường cũng có thể tác động đến sự mất cân bằng nội tiết. Các nguyên nhân thường gặp gồm thừa cân, chán ăn, hóa trị và xạ trị, căng thẳng kéo dài, thuốc tránh thai, lạm dụng thuốc steroid đồng hóa, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, tiếp xúc với các chất độc hại, ô nhiễm gây rối loạn nội tiết tố,…

Ngoài ra, một số bệnh lý cũng có thể dẫn đến rối loạn nội tiết tố nam và rối loạn nội tiết tố nữ như:

  • Tiểu đường tuýp 1 và 2.
  • Khối u trong tuyến yên.
  • Bướu cổ do thiếu i-ốt.
  • Suy giáp, cường giáp.
  • Tăng đường huyết, hạ đường huyết.
  • Khối u lành tính và u nang ảnh hưởng đến tuyến nội tiết.
  • Phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng.
group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi-1
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới

3. Dấu hiệu bị rối loạn nội tiết tố

Do đặc điểm giới tính nên nam và nữ giới sẽ có những dấu hiệu rối loạn nội tiết không giống nhau.

3.1. Rối loạn nội tiết nữ

Dấu hiệu rối loạn nội tiết nữ thường là khó tiêu, tăng cân, âm đạo khô, ngực căng, tóc dễ gãy rụng, giọng nói trầm hơn, kinh nguyệt không đều, xương trở nên yếu và giòn, bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều về đêm, nổi mụn trứng cá nhiều, lông mọc bất thường trên mặt, cổ hoặc lưng,…

3.2. Rối loạn nội tiết tố nam

Các dấu hiệu rối loạn nội tiết nam gồm căng ngực, loãng xương, rối loạn cương dương, mô vú phát triển quá mức, giảm ham muốn chuyện “yêu”, giảm số lượng tinh trùng, giảm khối lượng cơ bắp, giảm sự phát triển của lông trên cơ thể.

4. Điều trị rối loạn nội tiết tố

Điều trị rối loạn nội tiết tố sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ở nam và nữ phương pháp cũng như thuốc điều trị sẽ khác nhau.

4.1. Rối loạn nội tiết tố nữ uống thuốc gì?

Để điều trị rối loạn nội tiết tố, chị em có thể dùng một số loại thuốc như:

  • Thuốc thay thế hormone.
  • Bôi kem estrogen trực tiếp lên các mô âm đạo để giảm triệu chứng.
  • Kem bôi làm chậm sự phát triển quá mức của lông, tóc trên mặt.
  • Thuốc kháng androgen giúp hạn chế nổi mụn trứng cá.
  • Các loại thuốc giúp kích thích rụng trứng ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

4.2. Thuốc điều trị rối loạn nội tiết tố nam

Gel và miếng dán có chứa testosterone có thể giúp giảm các triệu chứng của suy tuyến sinh dục nam như nồng độ testosterone thấp do dậy thì muộn.

cach-dieu-tri-roi-loan-noi-tiet-to-nu-va-nam-voh-2

Dùng thuốc là cách phổ biến để điều trị rối loạn nội tiết tố (Nguồn: Internet)

4.3. Giải pháp tự nhiên cho cả nam và nữ bị rối loạn nội tiết tố

Việc thay đổi lối sống sinh hoạt cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng rối loạn nội tiết tố.

  • Ăn uống khoa học: Nếu bị rối loạn nội tiết tố, bạn nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng để duy trì cân nặng ổn định hợp lý. Đồng thời, tránh ăn các món có tính cay, nóng quá mức vì có thể dẫn đến tình trạng bốc hỏa. Đường, carbohydrate tinh chế và thực phẩm đóng gói cũng có thể gây rối loạn nội tiết tố nên bạn cần hạn chế ăn.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng chính là một trong những yếu tố tác động khiến bạn dễ bị rối loạn nội tiết tố và nổi mụn. Do đó, bạn nên sắp xếp lại lịch làm việc và dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi năng lượng. Bên cạnh đó, bạn hãy ngủ đủ giấc và không thức quá khuya.
  • Tập thể dục thường xuyên: Ngoài các bài tập vận động như chạy bộ, đi bộ, bơi lội thì các bài tập yoga hoặc thiền cũng có thể giúp cơ thể bạn được thư giãn và khỏe khoắn hơn.
  • Vệ sinh cá nhân tốt: Vệ sinh sạch sẽ là điều vô cùng cần thiết, nhất là ở những khu vực có nhiều dầu tự nhiên như mặt, cổ, lưng và ngực. Bạn cũng có thể sử dụng sữa rửa mặt, kem hoặc gel bôi trị mụn trứng cá để giảm tình trạng mụn tiến triển nặng. Bên cạnh đó, hãy giữ cho vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ mỗi ngày.

Lời khuyên: Dù nam hay nữ thì cũng nên luôn tạo cho mình trạng thái thoải mái mỗi ngày, luôn lạc quan và vui vẻ, tránh xa những suy nghĩ tiêu cực. Hãy đọc truyện cười, xem phim hài và suy nghĩ đến những điều tốt đẹp mỗi ngày, điều này cũng sẽ góp phần vào việc đẩy lùi rối loạn nội tiết tố nam và nữ.

group-bi-mat-nam-gioi-voh-noi-chia-se-kien-thuc-huu-ich-danh-cho-nam-gioi
Group Bí mật nam giới VOH - Nơi chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho nam giới
Bình luận