Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ung thư buồng trứng nguy hiểm thế nào, có thể điều trị và phòng ngừa?

VOH) – Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Hầu hết bệnh nhân ung thư buồng trứng đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Với nhiều phụ nữ bị ung thư buồng trứng được xem như một “án tử” vì bệnh thường diễn tiến một cách lặng lẽ, khi phát hiện thường đã ở vào giai đoạn cuối, dẫn đến nhiều khó khăn trong điều trị.

Trên thế giới, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường đứng thứ 2 sau ung thư cổ tử cung và cũng là ung thư gây tử vong cao thứ 2 sau ung thư cổ tử cung.

1. Ung thư buồng trứng là gì?

Buồng trứng là một phần của cơ quan sinh sản nữ. Mỗi bên của tử cung sẽ có một buồng trứng. Mỗi buồng trứng thường có kích cỡ bằng một quả hạnh nhân, có chức năng sản xuất trứng cũng như các hormone estrogen và progesterone.

Ung thư buồng trứng là một khối u ác tính xuất hiện ở buồng trứng. Nó có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai buồng trứng. Ung thư bắt đầu khi một tế bào phát triển lỗi (đột biến) trong DNA. Tế bào đột biến này phát triển và nhân lên nhanh chóng, tạo ra một khối u của các tế bào bất thường. Các tế bào bất thường tiếp tục sống khi các tế bào khỏe mạnh chết đi. Chúng xâm lấn các mô gần đó và vỡ ra từ một khối u ban đầu để lây lan sang các nơi khác trong cơ thể (di căn).

Có 2 loại ung thư buồng trứng là: ung thư biểu mô và ung thư ngoài biểu mô. Trong đó, ung thư biểu mô là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất.

Hiện nay, ung thư buồng trứng hoàn toàn có thể điều trị được nếu như phát hiện sớm. Tuy nhiên, bệnh ung thư buồng trứng lại rất khó bị phát hiện cho đến khi nó lan rộng trong khung chậu và bụng. Ở giai đoạn muộn, ung thư buồng trứng khó điều trị hơn do bệnh đã lan rộng ra những vùng khác.

2. 4 giai đoạn trong ung thư ung buồng trứng

Ung thư buồng trứng được phân thành 4 giai đoạn dựa trên mức độ lây lan của bệnh, nhằm giúp bác sĩ và bệnh nhân có những quyết định về quá trình điều trị tốt nhất.

2.1 Ung thư buồng trứng giai đoạn 1

Giai đoạn 1 khối u được giới hạn trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng và không lây lan ra các bộ phận khác. Đây chính là giai đoạn dễ nhất để điều trị bệnh.

Giai đoạn 1A: Các tế bào ung thư bắt đầu hình thành và phát triển ở bên trong một buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Lúc này các tế bào ung thư ác tính chưa xuất hiện và cũng chưa ăn sâu ra bên ngoài buồng trứng.

Giai đoạn 1B: Lúc này khối ung thư vẫn chưa xuất hiện ở bề mặt bên ngoài buồng trứng và cũng chưa có các tế bào ác tính. Tuy nhiên khối u đã bắt đầu xuất hiện ở cả hai buồng trứng.

Giai đoạn 1C: Các khối u ở 2 giai đoạn trên bắt đầu xuất hiện một trong những hiện tượng dưới đây:

  • Xuất hiện trên bề mặt ngoài của một hoặc cả hai bên buồng trứng.
  • Các viên nang đã bị phá vỡ.
  • Các tế bào ác tính đã bắt đầu xuất hiện.

ung-thu-buong-trung-nguy-hiem-the-nao-co-the-dieu-tri-va-phong-ngua-voh

Ung thư buồng trứng thường phát triển thành 4 giai đoạn chính trong cơ thể (Nguồn: Internet)

2.2 Ung thư buồng trứng giai đoạn 2

Sang giai đoạn 2, khối u vẫn còn trong buồng trứng và ống dẫn trứng nhưng các tế bào ung thư đã có sự xâm lấn sang các cơ quan lân cận buồng trứng trong xương chậu như: tử cung, vòi trứng...

Giai đoạn 2A: Tế bào ung thư đã lan rộng đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc cả hai.

Giai đoạn 2B: Tế bào ung thư đã lan rộng đến các cơ quan lân cận khác thuộc vùng chậu như đại tràng, trực tràng hoặc bàng quang..

Giai đoạn 2C: Tế bào ung thư đã lan đến tử cung, ống dẫn trứng và các mô xương chậu khác.

2.3 Ung thư buồng trứng giai đoạn 3

Ung thư buồng trứng giai đoạn 3, các tế bào ung thư đã có sự lan sang các cơ quan khác trong ổ bụng như buồng trứng, niêm mạc của bụng,... hoặc hệ thống các hạch bạch huyết trong ổ bụng. (Theo thống kê, có tới 51% các trường hợp phát hiện mắc bệnh ung thư buồng trứng đã bước sang giai đoạn 3 của bệnh).

Giai đoạn 3A: Khi bước sang giai đoạn 3A, ung thư có thể đã xuất hiện ở cả hai buồng trứng. Khi kiểm tra với kính hiển vi có thể quan sát được các dấu hiệu ung thư trong ổ bụng.

Giai đoạn 3B: Các khối u đã phát triển và có thể quan sát bằng mắt thường khi phẫu thuật (có đường kính khoảng 2cm hoặc nhỏ hơn). Chúng cũng có thể đã mở rộng lây lan sang các hạch bạch huyết nhưng chưa xuất hiện ở các cơ quan xa như gan, lá lách...

Giai đoạn 3C: Lúc này khối u đã lan rộng từ xương chậu đến bụng với kích thước lớn hơn 2cm. Nó thậm chí còn có thể đã di chuyển đến bề mặt các cơ quan xa hơn như gan, lá lách. Nó có thể có hoặc có thể không có trong các hạch bạch huyết.

2.4 Ung thư buồng trứng giai đoạn 4

Giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất của ung thư buồng trứng. Lúc này việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém, bởi khối u đã di căn tới gan và các cơ quan ngoài của ổ bụng và thậm chí đã có sự xuất hiện của các tế bào ung thư trong dịch màng phổi.

Giai đoạn 4A: Các tế bào ung thư được tìm thấy trong chất lỏng xung quanh phổi.

Giai đoạn 4B: Các tế bào ung thư thậm chí còn di chuyển xa hơn bên trong lá lách, gan, phổi, não, hoặc các cơ quan khác cách xa khối u ban đầu, cũng như các hạch bạch huyết nằm ở háng.

3. Dấu hiệu ung thư buồng trứng như thế nào?

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Khi ung thư buồng trứng bước sang giai đoạn tiến triển thì có thể gây ra một số ít các triệu chứng không đặc hiệu và thường bị nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS).

ung-thu-buong-trung-nguy-hiem-the-nao-co-the-dieu-tri-va-phong-ngua-1-voh

Các dấu hiệu ung thư buồng trứng thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác (Nguồn: Internet)

Các biểu hiện của bệnh ung thư buồng trứng có thể bao gồm:

  • Bụng đầy hơi, có cảm thấy nhanh no khi ăn
  • Bị giảm cân
  • Khó chịu ở vùng xương chậu
  • Thay đổi thói quen đại tiện, chẳng hạn như táo bón
  • Thường xuyên mắc tiểu
  • Mệt mỏi
  • Ăn không tiêu, mắc chứng ợ chua
  • Đau vùng xương chậu, bụng hay lưng, đặc biệt đau khi giao hợp.

4. Nguyên nhân nào gây ra ung thư buồng trứng?

Hiện nay các bác sĩ vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, mặc dù đã xác định được các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đó là:

  • Phụ nữ trên 50 tuổi
  • Di truyền đột biến gen
  • Tiền sử gia đình bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú
  • Sử dụng liệu pháp thay thế hormone estrogen
  • Phụ nữ có kinh nguyệt sớm hoặc kết thúc muộn.
  • Phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung
  • Thừa cân.

5. Có cách nào phát hiện và điều trị ung thư buồng trứng?

5.1 Tầm soát ung thư buồng trứng

Như đã nói, ung thư buồng trứng rất khó phát hiện nếu như bệnh chỉ đang ở giai đoạn đầu. Chính vì thế, cách phát hiện ung thư buồng trứng sớm nhất đó chính là tầm soát ung thư.

Tầm soát buồng trứng là sử dụng phương pháp y học giúp phát hiện sớm bệnh ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Tất các xét nghiệm tầm soát sẽ được thực hiện cho phụ nữ chưa có triệu chứng nào của căn bệnh. Sau khi thực hiện các xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện sớm ra ung thư buồng trứng nếu có.

ung-thu-buong-trung-nguy-hiem-the-nao-co-the-dieu-tri-va-phong-ngua-2-voh

Tầm soát ung thư buồng trứng là cách tốt nhất để nhận biết sớm căn bệnh này (Nguồn: Internet)

Khi thực hiện ung thư buồng trứng, chị em sẽ được thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm máu, kiểm tra phần khung chậu, âm đạo, tử cung và buồng trứng.
  • Siêu âm nhằm xác định vị trí, kích thước cụ thể của khối u (nếu có).
  • Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính CT, MRI... nhằm đánh giá mức độ bệnh và giai đoạn xâm lấn của khối u bên trong.

5.2 Điều trị ung thư buồng trứng

Theo thống kê có tới 90% tỷ lệ chữa trị thành công ung buồng trứng nếu được phát hiện ở giai đoạn 1. Tỷ lệ này giảm xuống 70 – 80% nếu tế bào ung thư càng phát triển mạnh và còn hơn 20% nếu như đã vào di căn.

Việc điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc vào mức độ lan rộng của các tế bào ung thư cũng như sức khỏe chung của người bệnh.

Các phương pháp điều trị có thể là:

  • Phẫu thuật để cắt bỏ các tế bào ung thư. Điều này thường sẽ liên quan đến việc cắt bỏ cả buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
  • Hóa trị liệu: Phương pháp này thường được sử dụng sau phẫu thuật để ngăn chặn và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Đôi khi nó được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước tế bào ung thư.

6. Phòng ngừa ung thư buồng trứng có được không?

Không có cách nào gọi là chắc để ngăn ngừa ung thư buồng trứng, nhưng bạn có thể cân nhắc những điều sau đây để giảm rủi ro mắc phải ung thư buồng trứng:

  • Sử dụng thuốc tránh thai: Phụ nữ uống thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, bản thân thuốc tránh thai cũng có tác dụng phụ. Vì thế, hãy trao đổi với bác sĩ loại thuốc tránh thai nào sẽ phù hợp với bạn.
  • Trao đổi cùng bác sĩ: Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn cho bạn những cách phòng ngừa và điều trị để ngăn ngừa ung thư.

Như vậy, ung thư buồng trứng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh sẽ rất cao. Nhưng thường người bệnh khó có thể nhận biết sớm cho đến khi nó đã lan rộng, gây khó khăn trong điều trị. Ngay cả sau khi điều trị thành công, vẫn có khả năng cao ung thư sẽ quay trở lại trong vòng vài năm tới.

Nếu ung thư quay trở lại thường không thể được chữa khỏi. Người bệnh thường chỉ có thể thực hiện hóa trị để giúp giảm các triệu chứng và kiểm soát ung thư trong vài tháng hoặc vài năm. Nhìn chung, khoảng một nửa số phụ nữ bị ung thư buồng trứng sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán và điều trị và khoảng 1/3 sẽ sống ít nhất 10 năm.

Bình luận