Tiếp cận điều trị sớm, giúp trẻ ngăn ngừa nhiễm HIV từ mẹ

(VOH) - Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1, thành viên nhóm điều trị không lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã chia sẻ một trường hợp vô cùng đặc biệt, thai phụ gần cuối thai kỳ sau thời gian bỏ dở điều trị đã quay lại cơ sở y tế với mong muốn tiếp tục điều trị, hy vọng con sẽ không bị nhiễm HIV.

Ứng phó với những tình huống như thế buộc êkíp điều trị gần như phải chạy đua thời gian, thay đổi phác đồ, tập trung cao độ bằng mọi giá có thể để cứu đứa bé khỏi HIV ngay từ trong bụng mẹ…

Mọi nỗ lực với hy vọng có thể cứu bé khỏi nhiễm HIV từ mẹ trong thời điểm gần như đã cuối thai kì, nguy cơ trẻ nhiễm HIV từ mẹ rất cao.

Cứu được 1 trẻ khỏi nhiễm HIV từ mẹ không chỉ giúp cho xã hội, giúp cho hệ thống điều trị giảm bớt gánh nặng mà quan trọng hơn đó là cả cuộc đời, là tương lai của bé về sau này. Tuy nhiên, thực tế nhiều bà mẹ nhiễm HIV vẫn chưa ý thức được vấn đề này.

Do vậy làm sao ngăn ngừa nhiễm HIV từ mẹ với các thai phụ nhiễm HIV -  đó cũng là nội dung của VOH trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1. 

VOH: Thưa bác sĩ, thời gian qua tại bệnh viện Nhi đồng 1 có tiếp nhận trường hợp nào trẻ nhiễm HIV từ mẹ hay không thưa bác sĩ? vì sau thời gian chúng ta đã kiểm soát được thì nay tình hình như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: So với trước đây, khoảng gần 5, 7 năm gần đây, tỷ lệ này rất thấp nhưng nó giảm tới mức không giảm được thì chững lại. Trong số chững lại, thì những em bé nhiễm HIV từ mẹ sang con thường xuất hiện ở những nhóm đặc biệt, bao gồm phụ nữ đang điều trị ARV và phụ nữ không có đi khám thai định kỳ.

Hai nhóm này tăng tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con hơn những nhóm khác. Đặc biệt là những phụ nữ ở nông thôn, ở tỉnh xa thường xuất hiện tình trạng này hoặc ở những bà mẹ trẻ. Quan niệm thế giới hiện nay một trẻ nhiễm HIV từ mẹ đã là số nhiều rồi.

VOH: Trên thực tế có nhiều trường hợp bà mẹ nhiễm HIV đang điều trị ARV đột ngột có thai, do không chuẩn bị tâm lí lại thiếu kiến thức thì các bà mẹ này tự ngưng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con mình. Lời khuyên bác sĩ như thế nào trong những trường hợp này?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Chúng ta phải hiểu khi điều trị người phụ nữ có chồng hay chưa có chồng nhiễm HIV thì chúng ta phải đặt ra những câu hỏi gợi ý người phụ nữ đó có muốn có con hay không? Điều đó hết sức quan trọng.

Cho tới hiện nay người ta đã nghiên cứu các thuốc điều trị cho mẹ không ảnh hưởng gì đến con hết, thứ ba là để bảo đảm cho em bé không nhiễm HIV từ mẹ thì có rất nhiều biện pháp hiện nay nếu bà mẹ biết trước có sự chuẩn bị điều trị dự phòng thì 100% em bé sinh ra không bị nhiễm.

Cho nên phụ nữ nhiễm HIV muốn có con hoặc tình cờ mình không thể tránh thai được phải nói cho bác sĩ đang điều trị biết, bác sĩ sẽ cho biết kế hoạch uống thuốc như thế nào, theo dõi em bé ra sao, thậm chí sau này có chương trình những bà mẹ như vậy được thử nồng độ vi rút trong cơ thể như thế nào để đưa ra phác đồ phù hợp.

Cũng có những trường hợp phụ nữ có thai giấu tình trạng mình thì cũng không nên, hoặc có một số chị em có thai không biết đến khi thai lớn mới biết thì không dám nói với bác sĩ điều trị. Những trường hợp như vậy chị em nên bình tĩnh và phải chia sẻ với bác sĩ.

Nếu thấy nghi ngờ nên mua test thử thai và tham vấn với bác sĩ tránh tình trạng báo quá muộn thì khả năng bảo vệ em bé giảm đi.

VOH: Vừa qua được biết có trường hợp một phụ nữ đã được êkíp các bác sĩ chạy đua thời gian, tập trung đưa ra phác đồ tốt nhất cho chị ấy vì chị ấy tự bỏ điều trị, đến khi quay lại thì thai đã lớn, gần ngày sinh, do vậy thì khả năng lây HIV từ mẹ là rất lớn. Tuy vậy, sau khi tập trung mọi thứ có thể, sau khi sinh, em bé được xét nghiệm kết quả âm tính. Tin vui này theo bác sĩ đó là do may mắn hay do thành quả từ việc tập trung đầy quyết tâm từ phía y tế?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người phụ nữ này lúc đầu quyết định sai lầm bỏ điều trị khi có thai cho đến giai đoạn cuối thì người phụ nữ này quyết định đúng hơn. Nếu mình để tự nhiên hay áp dụng chương trình cũ thì chắc chắn em bé sẽ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Nhưng với quan niệm hiện nay, theo thế giới, họ tích cực bảo vệ từng em bé một, tùy theo từng trường hợp có hướng điều trị phù hợp và mình đã theo hướng này, căn cứ vào nồng độ vi rút trong cơ thể mẹ mà quyết định dùng thuốc mạnh hay bình thường.

Bà mẹ này đã được cho dùng thuốc mạnh nhất và ngay sau khi sinh, em bé đã được uống 3 loại thuốc duy trì trong một tháng và rất là may vừa khoa học, vừa may mắn, đổ sức vô đó cuối cùng bé không nhiễm HIV, đó cũng là sự kỳ diệu so với trước đây.

VOH: Cứu được một em bé thoát khỏi HIV là cả một tương lai của bé, một cuộc đời của em ở phía trước, việc làm này mang ý nghĩa rất lớn. Bác sĩ có lời khuyên như thế nào để giúp các bà mẹ mang thai chủ động ngăn ngừa nhiễm HIV cho con mình?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đây là một chương trình chúng ta đã cố gắng làm nhiều năm, tỷ lệ đã hạ đến mức tối đa nhưng khi còn 1 em bé nhiễm HIV từ mẹ thì chúng ta vẫn không đạt yêu cầu, và ở bên cạnh chúng ta Thái Lan đã vượt qua mốc này, mình thì cố gắng làm. Ngoài chuyện phát hiện sớm trong chương trình thì với người nhiễm HIV muốn có con phải thảo luận với bác sĩ, vì hiện nay nhu cầu có con ở phụ nữ nhiễm HIV không phải chuyện quá xa vời, quá lạ nữa nên mình sẵn sàng chia sẻ.

Nếu không may có thai ngoài ý muốn cũng phải tâm sự, chia sẻ  với bác sĩ điều trị để bác sĩ sẽ tìm cách tốt nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ em bé không nhiễm HIV.

Và như chúng ta đã biết, một em bé nhiễm với không nhiễm tương lai khác xa lắm, và một gia đình bố mẹ nhiễm HIV mà con không nhiễm thì hình dung tương lai cũng khác xa lắm, nên mình cố gắng hãy bảo vệ những em bé không nhiễm HIV từ mẹ.

VOH: Cám ơn bác sĩ.