Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký bổ sung quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin phòng chống COVID-19.
Theo đó, phê duyệt bổ sung vắc xin có tên Pfizer BiONTech COVID-19, mỗi khay chứa 25 lọ, mỗi lọ 6 liều, do Pharmacia & Upjohn Company LLC và Hospira Inc, Hoa Kỳ sản xuất vào danh sách vắc xin COVID-19 được sử dụng tại Việt Nam.
Trước đó, hôm 12/6, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt có điều kiện loại vắc xin Pfizer mang tên Comirnaty do Pfizer (Bỉ) và BiOnTech (Đức) sản xuất, đóng gói mỗi khay chứa 195 lọ, mỗi lọ 6 liều. Quyết định phê duyệt bổ sung giữ nguyên các điều kiện về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc xin như quyết định đã ký ngày 12/6.
Việt Nam đã có hợp đồng mua 51 triệu liều vắc xin Pfizer, bao gồm 20 triệu liều dành cho vị thành niên 12-17 tuổi. Vắc xin đã bắt đầu về hằng tuần từ tháng 7 nhưng số lượng còn ít.
Tại TPHCM, từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, người dân phải đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó. Về việc tiêm vắc xin và khám chữa bệnh thông thường trong khoảng thời gian này, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, hoạt động tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và khám chữa bệnh thông thường trên địa bàn TP vẫn diễn ra bình thường nhưng phải đảm bảo làm sao để hạn chế tối đa người dân ra ngoài đường.
Theo đó, các địa phương sẽ điều phối, chia nhỏ nhiều đội tiêm đến tận tổ, khu phố, thậm chí đến tận nhà... để tiêm vắc xin cho người dân.
Về hoạt động khám chữa bệnh, thành phố đã thành lập các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn để sơ cấp cứu, theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 cũng như khám chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh thông thường.
Ngày 21-8, Bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM), do Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách, đã hoàn tất thủ tục xuất viện cho bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 10.000 sau 38 ngày đi vào hoạt động.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, hiện toàn TP đã có tổng cộng 85.259 bệnh nhân xuất viện từ đầu năm đến nay.
* Trong một diễn biến liên quan về vắc xin ngừa Covid-19, tại Ấn Độ, giới chức nước này vừa cấp phép khẩn cấp vắc xin ZyCoV-D - vắc xin ADN đầu tiên trên thế giới, để sử dụng với người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi.
Vắc xin ZyCoV-D được phê duyệt trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tại nước này tăng lên trong vài tuần qua.
ZyCoV-D có liệu trình 3 mũi, khi vào cơ thể sẽ tạo ra protein gai của nCoV và tạo ra phản ứng miễn dịch.
Theo Bộ Công nghệ Sinh học Ấn Độ cho biết, vaccine ZyCoV-D đưa vào cơ thể một chuỗi ADN mã hóa kháng nguyên cụ thể để khởi động quá trình phản ứng miễn dịch. Công nghệ này được đánh giá nâng cao tính ổn định và độ tin cậy, đảm bảo an toàn do không chứa bất cứ tác nhân gây bệnh nào và có chi phí thấp khi sản xuất số lượng lớn.