Nhiều người hâm mộ bày tỏ sự quan tâm tới sức khỏe và tình trạng của Nguyễn Xuân Son, cũng như mong muốn hiểu rõ hơn về việc điều trị cũng như khả năng hồi phục của cầu thủ này.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Lê Minh Thống, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong cẳng chân của con người có hai xương là xương chày và xương mác. Xương chày là xương chính, thường khi gãy sẽ gãy cả hai xương.
Qua phân tích kỹ hình ảnh lúc cầu thủ Nguyễn Xuân Son bị té, bác sĩ Thống cho rằng, kiểu gãy xương trên chân của cầu thủ Nguyễn Xuân Son là kiểu gãy ngang thường gặp trên chấn thương năng lượng cao với lực dội trực tiếp vào ổ gãy, gây đau dữ dội tại vùng bị chấn thương, sưng nề nhanh chóng và mất khả năng vận động hoặc đứng vững.
Một trong những biến chứng đáng sợ của tình trạng này là tổn thương cấu trúc mạch máu thần kinh xung quanh, cũng như hội chứng chèn ép khoang.
Trong trường hợp một người chơi thể thao gặp chấn thương nghiêm trọng như gãy hai xương cẳng chân - giống trường hợp của cầu thủ Nguyễn Xuân Son - các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ phẫu thuật cho người bệnh bằng công nghệ hiện đại giúp bảo tồn cấu trúc xương và giảm thiểu nguy cơ biến chứng bằng cách đóng đinh nội tủy kín có chốt cho xương chày.
Sau đó, bệnh nhân được giảm đau đa mô thức. Để giúp bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường sớm nhất có thể, người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ngay sau mổ.
Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Tiến Bảo Anh, khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng cho biết, gãy hai xương cẳng chân là loại chấn thương rất thường gặp, xảy ra do nhiều nguyên nhân như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thể thao ở các môn mang tính đối kháng cao như võ thuật, đá banh, bóng bầu dục…
Khi bị gãy hai xương cẳng chân, phẫu thuật đóng đinh nội tủy kín kết hợp với vật lý trị liệu sẽ giúp tỷ lệ lành xương đạt 95%. Đây là minh chứng rõ nét về sự phối hợp hiệu quả giữa y học thể thao và công nghệ y tế hiện đại.