Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trên toàn cầu ngay cả khi mức độ xét nghiệm giảm mạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng.

Trong báo cáo ngày 16/3, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, sau hơn một tháng suy giảm, số ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% trong tuần trước, theo thống kê của WHO, với 11 triệu ca bệnh và hơn 43.000 ca tử vong được ghi nhận từ ngày 7 đến 13/3.

Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng kể từ cuối tháng 1.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo số ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại 1
Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus

Khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc) là nơi ghi nhận mức tăng cao nhất, với số ca mắc mới tăng 25% và số ca tử vong tăng 27%.

Tại châu Phi, số ca mắc mới tăng 12% và số ca tử vong tăng 14%. Ở châu Âu, số ca mắc mới tăng 2%, nhưng không có sự gia tăng về số ca tử vong.

Một số chuyên gia lo ngại châu Âu có thể đang phải đối mặt với một làn sóng COVID-19 mới, khi số ca bệnh ở Áo, Đức, Thuỵ Sĩ, Hà Lan và Anh bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 3.

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách vấn đề kỹ thuật liên quan đến Covid-19 của WHO, lưu ý số ca nhiễm tăng nhanh ngay cả khi mức độ xét nghiệm ở hầu hết các nước đã giảm đi đáng kể.

Chuyên gia này đã chỉ ra 3 yếu tố chính khiến số ca Covid-19 toàn cầu tăng mạnh trở lại. Thứ nhất là biến chủng Omicron dễ lây lan hơn.

Thứ hai là các nước đã dỡ bỏ hầu hết thậm chí toàn bộ các biện pháp phòng dịch, cách ly xã hội. Thứ ba là tình trạng nguồn cung vaccine Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng quá chênh lệch giữa nhiều nơi trên thế giới và điều này tạo điều kiện cho virus lây lan

Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết : “Số ca mắc mới gia tăng trong khi một số quốc gia đang giảm tỉ lệ xét nghiệm, điều đó cho thấy những số liệu mà chúng ta thu được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước tiếp tục cảnh giác. Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Số ca nhiễm mà chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", ông Tedros nói.

Theo chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO nhận định BA.2 dường như là biến thể dễ lây truyền nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy BA.2 có thể gây bệnh nặng hơn.

Theo trang thống kê worldometers.com, ngày 16/3, Áo ghi nhận hơn 58.500 ca mắc mới trong 24 giờ, tăng gần gấp đôi so với ngày trước đó.

Đức cũng liên tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, với hơn 300.000 ca ngày 10/3. Ngày 16/3, nước này báo cáo hơn 275.800 ca mắc mới trong 24 giờ.

Tuần này, số ca nhập viện tại Anh tăng 18% so với tuần trước, vượt mức 10.000 người, theo Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS).

Giới chuyên gia cũng bắt đầu cảnh báo Mỹ có thể chứng kiến một làn sóng dịch tương tự tại châu Âu, chủ yếu là do BA.2, việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cũng như khả năng bảo vệ nhờ vắc xin bị suy giảm theo thời gian.

Trên thế giới:

- Cả thế giới có 462.226.539 ca nhiễm, trong đó 395,422,773 ca khỏi bệnh; 6.075.115 ca tử vong và 60,728,651 ca đang điều trị (64.451 ca diễn biến nặng).

- Trong ngày số ca nhiễm của thế giới tăng 1.870.450 ca, tử vong tăng 6.165 ca.

- Châu Âu tăng 914.577 ca; Bắc Mỹ tăng 56.630 ca; Nam Mỹ tăng 70.017 ca; châu Á tăng 738.643 ca; châu Phi tăng 11.466 ca; châu Đại Dương tăng 79.117 ca.

- Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 81.741 ca, trong đó: Indonesia tăng 13.018 ca, Malaysia tăng 26.534 ca, Philippines tăng 0 ca, Thái Lan tăng 23.945 ca, Singapore tăng 15.851 ca, Myanmar tăng 683 ca, Lào tăng 1.570 ca, Campuchia tăng 140 ca, Đông Timor tăng 0 ca.

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 463 triệu ca nhiễm, hơn 6 triệu ca tử vong.

WHO cảnh báo, Omicron không phải là biến chủng cuối cùng, thế giới vẫn có thể phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến chủng mới nguy hiểm hơn.