Chờ...

TPHCM: 2.871 mẫu xét nghiệm tầm soát tại doanh nghiệp đều âm tính

(VOH) - Chiều ngày 02/2/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang dự và chủ trì tại điểm cầu Thành ủy.

Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan và Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND TP.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở - ban - ngành, quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm cầu trực tuyến.

Tóm tắt chung về diễn biến dịch bệnh ngày 02/2/2021:

Tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh:

Tính đến ngày 02/2/2021, TP. Hồ Chí Minh có 168 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, 33 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 19,64%), 135 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 80,36%).

Trong đó, 152 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 90,48%. Hiện 16 trường hợp (15 nhập cảnh; 01 cộng đồng) đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, sức khỏe 15 bệnh nhân (BN) nhập cảnh ổn định, không có triệu chứng; 01 BN cộng đồng có triệu chứng ho, đau đầu, mất khứu giác.

Kết quả điều tra, xét nghiệm người tiếp xúc với BN 1660: Có 19 trường hợp tiếp xúc (không tính chuyến bay VN213), bao gồm 6 người tiếp xúc gần, đã có kết quả âm tính; 13 người tiếp xúc khác, đã có kết quả 12 người âm tính, 01 người chờ kết quả xét nghiệm.

Trên chuyến bay VN213: ghi nhận 139 hành khách và tổ bay có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Bao gồm: Hành khách tiếp xúc gần (trong vòng 05 hàng ghế) 17 người, đã có kết quả âm tính; Tổ bay: 03 người đã có kết quả âm tính; Hành khách khác: 119 người (109 người đã có kết quả âm tính, 10 người còn chờ kết quả xét nghiệm).

Kết quả điều tra, xét nghiệm người tiếp xúc với BN 1801 của tỉnh Bình Dương:

Chuyến bay VJ275 ngày 18/01/2021 ghi nhận 42 hành khách và 09 tổ bay có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, tiếp xúc gần (trong vòng 05 hàng ghế): 07 người (6 người đã tiếp cận được để lấy mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính, còn 01 người đang được xác minh). Tổ bay: 09 người, đã có kết quả 07 người âm tính và 02 người đang chờ kết quả. Hành khách khác: 35 người (34 người đã tiếp cận được để lấy mẫu xét nghiệm, 23 người âm tính và 11 người đang chờ kết quả xét nghiệm; còn 01 người đang xác minh).

Kết quả điều tra, xét nghiệm người tiếp xúc với BN 1843 của tỉnh Bình Dương (con BN 1801): Ghi nhận 49 trường hợp tiếp xúc gần tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó 47 người đã tiếp cận được và lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả 08 người đã có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Giám sát, sàng lọc người có triệu chứng hô hấp đến cơ sở khám chữa bệnh: Hiện có 28 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện, 24 trường hợp có kết quả âm tính, 04 trường hợp chờ kết quả (tổng cộng lũy tích 2.015 người).

Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày: 2.845 trường hợp, trong đó: 335 người cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP; 681 người cách ly tại các cơ sở quận – huyện; 1.809 chuyên gia người nước ngoài và tổ bay cách ly tại khách sạn có thu phí.

 Ngoài ra, có 512 người đang cách ly tại nhà/nơi cư trú.

Giám sát hành khách đến thành phố trong ngày: Thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt đối với 10 chuyến bay quốc tế gồm 36 thành viên tổ bay, 01 chuyên gia, nhà ngoại giao (tất cả đều được chuyển cách ly y tế theo quy định); 243 chuyến bay quốc nội với 15.656 hành khách; 10 tàu hàng hải nhập cảnh với 201 thuyền viên (tất cả đều được cách ly theo quy định); 09 chuyến tàu lửa với 419 hành khách.

Cập nhật Covid-19, COVID-19, Ngày 1 tháng 2 năm 2021
Hiện nay, trên địa bàn TP, dịch Covid-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát. Nhưng người dân cần tuân thủ nghiêm biện pháp 5K. Ảnh minh họa: PN

Giám sát, sàng lọc các nhóm nguy cơ trong cộng đồng:

+ Tiếp nhận khai báo, xét nghiệm người đến từ Hải Dương, Quảng Ninh và các địa điểm do Bộ Y tế công bố: 714 người

+ Xét nghiệm tầm soát tại các doanh nghiệp: Công ty Pouyen, Nidec Tosok, May mặc Quảng Việt, Grab; Hệ thống Co.op; KCX Linh Trung; NH ACB: tổng cộng 2.871 mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính.

+ Xét nghiệm tầm soát tại các bến xe: Bến xe Miền Đông; Bến xe Miền Tây: tổng cộng 141 mẫu xét nghiệm, kết quả đều âm tính.

+ Xét nghiệm tại các bệnh viện: nhân viên y tế, người phục vụ, bệnh nhân mạn tính điều trị nội trú tại các bệnh viện: tổng cộng 8.237 mẫu xét nghiệm lũy tích, kết quả đều âm tính.

- Tổ chức xét nghiệm COVID-19: Tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng là 230.462 mẫu (đến 11 giờ 30 ngày 02/02/2021).

Hiện có 11 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tri Phương, BV quận Thủ Đức, BV quận 2, BV FV, BV Gia An 115, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, với tổng công suất tối đa là 10.000 mẫu/ngày.

Các hoạt động tiếp tục triển khai:

- Ngành y tế phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng của các tỉnh theo thông tin, yêu cầu của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia

- Tiếp tục tổ chức khai báo, xét nghiệm người về từ ổ dịch tại tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 726/BYT-DP ngày 29/01/2021

- Tuân thủ nghiêm biện pháp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế trong mọi hoạt động của đơn vị, địa phương.

- Tăng cường truyền thông, phổ biến kịp thời tình hình, nguy cơ dịch bệnh cho người dân, cán bộ công nhân viên chức, người lao động thuộc quản lý và biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế; tuyên truyền, vận động những người về từ các địa phương, khu vực có ổ dịch (theo thông báo của Bộ Y tế) khai báo với cơ quan y tế để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và giám sát đúng quy định

- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các tổ chức, đơn vị, khu dân cư, các nơi có nguy cơ cao như cơ sở y tế, trường học, doanh nghiệp, nhà máy, siêu thị, nhà ga, sân bay…; xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh.

- Tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, đặc biệt là chống nhập cảnh trái phép.

- Bộ Tư lệnh TP, UBND quận - huyện, các đơn vị phối hợp ngành y tế đảm bảo năng lực các cơ sở cách ly tập trung để sẵn sàng tổ chức cách ly y tế khi cần huy động.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cách ly tập trung, địa điểm cách ly tại nhà/nơi lưu trú, đảm bảo sự tuân thủ các quy định về cách ly y tế và điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19

- Đảm bảo năng lực xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế; Mở rộng xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng cho các nhóm có nguy cơ, đặc biệt là nhân viên sân bay, nhân viên phục vụ cơ sở cách ly tập trung; tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết

Hoan nghênh tinh thần kiên quyết và nỗ lực phòng chống dịch hiệu quả của các cấp chính quyền, sở - ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương; đặc biệt là sự tích cực, cẩn trọng với dịch bệnh của người dân TP cũng như các tổ chức, cá nhân tự giác trong khai báo y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên khẳng định, chính sự đồng lòng đó đã đem đến hiệu quả bước đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, trên địa bàn TP, dịch Covid-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh tại một số tỉnh, thành trong cả nước đang phức tạp. Vì vậy, TP cần quán triệt tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; điều chỉnh các hoạt động lễ hội để phù hợp với tình hình của dịch bệnh, yếu tố đảm bảo an toàn cho nhân dân phải được cân nhắc trên hết.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo cho người dân vui Xuân đón Tết đầm ấm, tươi vui và mạnh khỏe. Các giải pháp đưa ra nên chia theo 2 giai đoạn: từ đây đến Tết Nguyên đán (người dân về quê) và sau Tết (khi mọi người trở về TP - lúc này nguy cơ cao hơn).

Chủ trương của Thành ủy là không ngăn sông cấm chợ, đảm bảo các hoạt động diễn ra theo kế hoạch đã được phê duyệt trong điều kiện bình thường mới.

Từ đó, các cấp các ngành của TP cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, mạnh hơn, hiệu quả hơn để người dân biết, hiểu, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách và giải pháp mà Trung ương và TP đề ra.

Bí thư Thành ủy cho rằng, phòng chống dịch hiệu quả nhất phải xuất phát từ ý thức mỗi cá nhân, tổ chức. Các cơ quan, lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn TP cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh nhưng không nên hoảng hốt, phòng chống dịch theo hướng: theo dõi sát - phát hiện sớm - điều tra, truy vết triệt để - khoanh vùng, dập dịch.

Bí thư Thành ủy cũng giao trách nhiệm cho UBND TP, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP phối hợp với UBND TP Thủ Đức, các quận – huyện đảm bảo việc triển khai các tiêu chí an toàn của TP trên các lĩnh vực.

Thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị các Sở - ngành, đơn vị, quận - huyện quán triệt các chỉ đạo, thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Thông báo số 67/TB-VP ngày 28/01/2021 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp Ban Chỉ đạo TP về phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 322/UBND-VX ngày 30/01/2021 của UBND TP ngày 30/01/2021 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh với các thông tin được cập nhật kịp thời, chính thống, chính xác để người dân nắm bắt và hiểu đúng tầm quan trọngcủa mỗi cá nhân, gia đình trong cuộc chiến chống đại dịch này.

3. Tuân thủ nghiêm biện pháp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Việc thực hiện quy tắc 5K phải áp dụng thường xuyên, hàng ngày và cần xem xét việc nâng lên thành quy định bắt buộc trong tình hình hiện nay đối với mọi cơ quan, đơn vị, người dân.

4. Hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện ở trong không gian kín. Đối với các lễ hội, sự kiện tập trung đông người diễn ra trước và sau dịp Tết Nguyên đán của các địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức cần giảm quy mô tổ chức, thực hiện đầy đủ, đúng quy định các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối phòng chống dịch bệnh trong quá trình tổ chức.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với các doanh nghiệp để rà soát chặt chẽ, nghiêm ngặt từng trường hợp nhập cảnh vào Thành phố làm việc; đánh giá lại nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, từ đó góp phần ngăn chặn nhập cảnh trái phép.

6. Khảo sát lại các cơ sở cách ly tập trung của TP, tăng cường năng lực, bổ sung giường bệnh, cơ sở vật chất cần thiết đảm bảo yêu cầu trong mọi tình huống có thể xảy ra.

7. Ngành y tế đảm bảo năng lực xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế, củng cố quy trình, kịch bản xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu xét nghiệm khẩn cấp phục vụ công tác khoanh vùng dập dịch; Mở rộng xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng cho các nhóm có nguy cơ…

8. Sở Công Thương phối hợp với các Sở - ngành rà soát, nghiên cứu, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp hiện nay ở các lĩnh vực để sớm báo cáo UBND TP.