Chỉ trong vòng một tuần qua, số lượng trẻ em nhập viện điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tăng đột biến. Chị T.P.T. (51 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) đang tất bật chăm sóc cậu con trai 13 tuổi của mình tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1. Trước đó, cháu chỉ có biểu hiện bị sốt, tiếng ho nặng dần, nên gia đình đã đưa cháu đi khám nhưng cũng không ngờ cháu bị viêm phổi.
Khi được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị, bé trai nói với chị T. hiện trong lớp cũng có 3-4 bạn sốt, ho.
Trường hợp khác, chị H.T.H. (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết con gái chị đang học trường cấp II tại Quận Bình Thạnh cũng bị sụt sịt mũi kèm ho, và trong lớp bé gái cũng đang có nhiều bạn đang bị tình trạng tương tự. Chị H. cho rằng môi trường lớp học với máy lạnh luôn bật có thể là nguyên nhân khiến bệnh lây lan nhanh chóng.
Triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp ở trẻ
TS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết TPHCM đang đối mặt với một đợt dịch bệnh hô hấp nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ em. Trong vòng một tuần qua, số lượng bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tăng gấp đôi so với bình thường
Theo TS Anh Tuấn, bệnh nhi nhiễm siêu vi hô hấp thường có những biểu hiện như ho, sổ mũi, sốt. Những bệnh nhi này cần được nhập viện điều trị trung bình là tầm 7 ngày.
Bệnh nhi nhiễm siêu vi hô hấp nặng sẽ có biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản... nên khi có những triệu chứng trên cần đưa trẻ đi khám ngay.
TS Anh Tuấn lưu ý mùa này trẻ cũng dễ bị lên cơn hen suyễn. Những trẻ có cơ địa hen suyễn mà mắc thêm bệnh hô hấp sẽ làm trẻ dễ bị lên cơn hen.
Trước số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhập viện tăng, Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cường lọc bệnh tại phòng khám, đồng thời cũng tăng cường điều trị ngoại trú để giảm quá tải.
"Trong trường hợp khoa hô hấp tiếp tục tăng số bệnh nhi nhập viện, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ huy động những khoa khác để điều trị thêm cho bệnh nhi mắc bệnh hô hấp", TS Anh Tuấn thông tin.
TS Anh Tuấn dự báo, tình hình dịch bệnh hô hấp ở trẻ có thể còn kéo dài đến tháng 11. Ông cho biết, bệnh viện đang phải làm việc hết công suất để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhi, đồng thời khuyến cáo phụ huynh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Công Thiên, phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cũng cho biết số lượng trẻ em đến khám vì các bệnh về đường hô hấp tại bệnh viện đã tăng khoảng 30-35% trong thời gian từ đầu tháng 9 đến nay.
Mùa tựu trường rơi mùa mưa, thời tiết thay đổi, tỉ lệ bệnh nhiễm siêu vi hô hấp tăng hơn so với tháng 6, 7, 8. Tuy nhiên khoa vẫn kiểm soát được tình hình để không bị động đối phó.
Bệnh dễ lây lan tại trường học
Theo bác sĩ Công Thiên, hiện nay các trường đều có trang bị máy lạnh tạo cảm giác dễ chịu cho sinh hoạt. Nhưng đây là môi trường kín, vì vậy một bé nhiễm bệnh hô hấp thì khả năng lây lan bệnh dễ hơn. Trẻ bị nhiễm siêu vi hô hấp có thể lây lan sang trẻ khác qua đường hô hấp, các giọt bắn, rất nhiều bé đi học bị ho, sụt sịt mũi trong thời gian này.
Phụ huynh cần chú ý quan tâm đến những biểu hiện của trẻ khi bị sốt trong thời gian này. Nếu sốt bình thường thì sau hạ sốt trẻ có tổng trạng tươi tỉnh hơn, phụ huynh có thể chủ động chăm sóc trẻ tại nhà. Sốt siêu vi thường là sốt cao, từ 39-40C, sốt siêu vi ảnh hưởng đến tổng trạng nhiều nên làm trẻ lừ đừ, bỏ ăn, bú kém, quấy khóc nhiều. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện khám để kịp thời chữa trị nếu có những triệu chứng trên.
Hiện nay điều trị sốt siêu vi là điều trị triệu chứng và biện pháp hỗ trợ, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Như khi trẻ sốt sẽ cho trẻ uống thuốc hạ sốt, phổ biến là paracetamol, liều dùng 10-15mg/kg, cách 4-6 giờ có thể cho trẻ uống lại nếu có sốt lại, kết hợp lau, chườm mát bằng nước ấm, tránh dùng nước quá lạnh. Trường hợp trẻ ho, ở mức độ vừa phải không gây khó thở, có thể xử lý tại nhà bằng thuốc ho phù hợp với lứa tuổi.
Bác sĩ Công Thiên khuyến cáo người nhà không lạm dụng thuốc mà cần sử dụng thuốc đúng liều, theo chỉ định của bác sĩ. Ví dụ trẻ sốt đã uống thuốc hạ sốt mà chưa hạ sốt, phụ huynh không nên sốt ruột cho trẻ dùng thêm thuốc vì sử dụng thuốc hạ sốt quá liều có thể ảnh hưởng đến gan của trẻ. Sau 2-3 ngày sử dụng thuốc hạ sốt mà trẻ không đáp ứng hoặc thêm các triệu chứng khác thì nên đưa trẻ đi khám.
Ngoài việc dùng thuốc, cha mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc tại nhà. Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đủ nước giúp tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Công Thiên khuyến cáo: “Đối với môi trường lớp học, khi không có học sinh nên mở cửa lớp cho thông thoáng để thanh lọc các tác nhân gây bệnh, nên vệ sinh máy lạnh và nên mở máy lạnh ở 26-270C".
Phòng bệnh cho trẻ
Để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi những căn bệnh về đường hô hấp, đặc biệt trong thời tiết giao mùa, cha mẹ cần chú ý đến một số vấn đề quan trọng. Trước hết, giữ ấm cho trẻ là điều cần thiết. Thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng lúc mưa khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị sẵn áo ấm để mặc cho bé khi cần thiết.
Việc sử dụng quạt máy, máy lạnh cho trẻ cũng cần lưu ý. Khi sử dụng quạt máy cần cho quạt xoay đi xoay lại, tránh để quạt thổi thẳng vào mặt trẻ làm trẻ dễ bị khô niêm mạc, giảm khả năng bảo vệ của đường thở, dễ mắc bệnh hô hấp. Với máy lạnh, chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ khoảng 27 độ C và không nên cho trẻ sử dụng máy lạnh suốt đêm vì sử dụng máy lạnh trong nhiều giờ cũng dễ làm trẻ bị khô niêm mạc, dễ mắc bệnh hô hấp.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Hãy cung cấp cho bé một chế độ ăn uống cân đối, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước và khuyến khích bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh.