Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

TPHCM: Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại

VOH - Sở Y tế TPHCM ra văn bản khẩn tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Văn bản khẩn này được gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng các cơ sở tiêm vaccine phòng dại về việc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

TPHCM: Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại 1
Ảnh minh họa

Sở này yêu cầu trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trên địa bàn để kịp thời thông tin khi phát hiện hoặc nhận được thông tin; giám sát về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc dại cắn.

Phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

Vận động người dân kịp thời đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm phòng dại khi bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chủ động hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh dại trên người.

Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời theo hướng dẫn phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Đối với các cơ sở tiêm vaccine phòng dại phải đảm bảo nguồn vaccine phòng dại. Cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xử trí trường hợp bị động vật cắn.

Thông tin từ Bộ Y tế, tình hình bệnh dại năm 2024 trên cả nước tiếp tục tăng. Hai tháng đầu năm 2024 ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp), đặc biệt xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10-15 ngày).