Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 349 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, chiếm 24% tổng số ca. Trong khi đó, nhóm tuổi này chưa đủ điều kiện tiêm vaccine theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, khiến rủi ro lây nhiễm càng cao.
Trước thực trạng này, Sở Y tế TPHCM đã được Bộ Y tế phê duyệt tiêm vaccine sởi đơn giá cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi nhằm đối phó dịch bệnh. Đây được xem là mũi "sởi 0", bổ sung trước khi trẻ được tiêm đầy đủ 2 mũi chính thức theo lịch vào lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi.
Chiến dịch tiêm phòng đang được đẩy mạnh với mục tiêu đạt ít nhất 95% tỷ lệ tiêm chủng tại các xã, phường.
Theo các chuyên gia, sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao, gấp nhiều lần so với Covid-19, với tỷ lệ lây nhiễm từ một người bệnh sang 12-16 người khác. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đáng quan ngại, một số phụ huynh có quan niệm phản đối vắc xin vì sợ con xuất hiện tác dụng phụ sau tiêm. Theo ghi nhận tại khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhiệt đới TPHCM), khoảng 10-12% phụ huynh của bệnh nhi mắc sởi có quan điểm này.
Cùng với nhóm trẻ nhỏ, người lớn cũng được cảnh báo về nguy cơ mắc sởi, đặc biệt là phụ nữ mang thai chưa tiêm phòng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận hơn 900 ca sởi ở người lớn từ đầu năm 2024, chiếm 65-70% tổng số ca nhập viện. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng không điển hình, dẫn đến chẩn đoán muộn và suy hô hấp nặng.
Để kiểm soát dịch bệnh, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch. Đồng thời, chiến dịch tiêm bổ sung cho trẻ từ 1-10 tuổi cũng đang được triển khai tại các điểm tiêm chủng công cộng.
Những biện pháp mạnh mẽ này nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi quy mô lớn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Phụ huynh được khuyến khích theo dõi sát lịch tiêm chủng và phối hợp với cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho con em mình.