Những tháng cuối năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) ghi nhận số ca mắc tăng nhanh.
Bệnh viện Nhi đồng 2 từ tháng 10 đến nay tiếp nhận 20-25 ca mỗi ngày. Trong số này có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, điều trị kháng sinh và phải phẫu thuật lấy mủ tụ dưới màng cứng của não nhiều lần.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, lượng bệnh nhi điều trị viêm màng não tại Khoa Nhiễm thần kinh có xu hướng tăng, có nhiều ca nặng phải phẫu thuật.
Bệnh viêm màng não không có triệu chứng điển hình, do đó, khi trẻ có các triệu chứng như sốt, đau đầu..., nhất là trong thời gian giao mùa, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám kịp thời. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn, khá điển hình như co giật, hôn mê... thì não đã bị ảnh hưởng.
Để phòng bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và lưu ý lịch tiêm nhắc. Hiện một số loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm màng não như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, vaccine phế cầu, vaccine não mô cầu…
Phụ huynh cũng cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát cho trẻ; cho trẻ ăn chín uống sôi; thường xuyên vệ sinh tay chân và cơ thể cho trẻ, cho trẻ mang khẩu trang khi đi ra ngoài…
Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương lây qua đường hô hấp rất nguy hiểm mà tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh viêm màng não có thể để lại rất nhiều di chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Thậm chí người bệnh có thể tử vong do mắc bệnh viêm màng não trong thời gian rất ngắn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não nhưng nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh đó là do vi khuẩn như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao... Một số ít có thể do virus, ký sinh trùng, nấm tấn công. Ngoài ra, vi khuẩn gây viêm màng não cũng có thể từ các cơ quan khác như phổi, da đi lên tấn công não.