Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trắc bá diệp (cây thuộc bài) và những bài thuốc hay

(VOH) - Trắc bá diệp là loại cây quen thuộc với lứa tuổi học trò, nó không chỉ là một cây kiểng, có ý nghĩa phong thủy mà trong Đông y nó còn là dược liệu để cấu thành nên các bài thuốc chữa bệnh.

Để mọi người được hiểu đầy đủ hơn về cây trắc bá diệp, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã có buổi chia sẻ với khán thính giả về những tác dụng của cây trắc bá diệp trong chương trình Phòng mạch FM

Trắc bá diệp là cây như thế nào?

Trắc bá diệp nghe tên thì có vẻ khá xa lạ nhưng đây là một loại cây rất quen thuộc, đặc biệt là nó gắn liền với lứa tuổi học trò ngày xưa. Bác sĩ Bay cho biết, cây trắc bá diệp còn được gọi là trắc bách diệp, hay dân gian thường gọi nó là cây thuộc bài. 

trac-ba-diep-cay-thuoc-bai-va-nhung-bai-thuoc-hay-voh

Hình ảnh cây trắc bá diệp hay còn gọi là cây thuộc bài (Nguồn: Internet)

Sở dĩ trắc bá diệp được gọi là cây thuộc bài vì nó gắn bó với lứa tuổi học trò, ngày xưa, hầu như cô, cậu học trò nào cũng đã từng ngắt cây trắc bá diệp rồi ép khô vào sách, vở. Bởi vì trắc bá diệp có mùi rất thơm, khi ép vào tập, lúc mở ra sẽ có mùi thơm rất dễ chịu, từ đó học sinh cũng dễ học thuộc bài hơn. Bên cạnh đó, nhiều người còn trồng cây trắc bá diệp vừa để làm cây cảnh trong nhà vừa giúp mang lại ý nghĩa phong thủy, may mắn cho gia đình.

Thành phần các chất trong cây trắc bá diệp

Theo bác sĩ Bay, qua quá trình nghiên cứu, người ta thấy được cây trắc bá diệp có những thành phần, các chất sau đây:

  • Tinh dầu

Cây trắc bá diệp có mùi thơm dễ chịu là nhờ trong lá có chứa tinh dầu. Trong tinh dầu có chứa các chất như pinen và cariophilen, giúp tạo ra mùi thơm cho loại cây này.

  • Nhựa

Cành và lá cây trắc bá diệp có chứa một loại nhựa nên khi người ta sấy khô hay ép chặt đến khô nó vẫn không bị gãy rụng như những cành, lá cây khác.

  • Vitamin

Cây trắc bá diệp còn có chứa vitamin C, chất antioxidant, có tác dụng chống lại gốc tự do rất tốt.

Trắc bá diệp có tác dụng gì?

Bác sĩ Bay cho biết, nhờ có những thành phần, các chất như trên mà người ta sử dụng cây trắc diệp khá nhiều trong điều trị bệnh. Cụ thể cây trắc bá diệp có những tác dụng hữu ích sau đây:

  1. Rối loạn kinh nguyệt

Bác sĩ Bay cho biết, trắc bá diệp sao đen là vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ nói chung và tuổi dậy thì nói riêng, đặc biệt là đối với tình trạng rong kinh, băng kinh và thống kinh.

  1. Chữa bệnh tim mạch

Trắc bá diệp cũng có mặt trong hầu hết các bài thuốc giúp bồi bổ khí huyết. Các trường hợp thiếu máu cơ tim, huyết áp cao,…sử dụng trắc bá diệp sẽ giúp máu huyết lưu thông tốt, bền chắc thành mạch, hạn chế các tình huống nguy hiểm như xuất huyết, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ…

  1. Cầm máu

Những trường hợp chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu ra máu, ho ra máu,…đều có thể sử dụng trắc bá diệp sao đen để cầm máu.

trac-ba-diep-cay-thuoc-bai-va-nhung-bai-thuoc-hay-voh

Trắc bá diệp phơi khô hay sao đen là dược liệu không thể thiếu trong nhiều bài thuốc chữa bệnh (Nguồn: Internet)

  1. Trị rụng tóc và hói đầu

Trắc bá diệp là một dược liệu thiên nhiên tốt cho những người thường xuyên bị rụng tóc hoặc bị hói đầu. 

  • Trị rụng tóc: Dùng trắc bá diệp tươi đâm nhuyễn rồi chà lên chân tóc, để khoảng 10 – 15 phút thì gội đầu lại bình thường, làm như vậy liên tục trong 3 tháng. Trong khoảng 15 – 20 sau khi áp dụng, bạn sẽ thấy tóc không còn rụng nữa và sau 3 tháng thì tóc đen sẽ mọc lên rất nhiều. Ngoài ra, để tránh bị rụng tóc, bạn cũng có thể dùng trắc bá diệp khô để nấu nước uống, mỗi ngày dùng khoảng 50g trắc bá diệp thì tóc sẽ giảm rụng rõ rệt.
  • Trị hói đầu: Dùng cây mè đen sắc nước cô đặc rồi pha với nước trắc bá diệp tươi, sau đó thoa hỗn hợp này lên vùng bị hói. Bài thuốc này có tác dụng trị hói hiệu quả.
  1. An thần, ngủ ngon

Bác sĩ Bay cho biết, nếu bạn dùng trắc bá diệp khô nấu nước uống hàng ngày sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon.

Như vậy, cây trắc bá diệp ngoài công dụng làm kiểng, có ý nghĩa phong thủy thì nó còn là vị thuốc trong nhiều bài thuốc chữa bệnh khác nhau. Do đó, bác sĩ Bay khuyên chúng ta nên trồng loại cây này trong vườn nhà, sau đó thu hái cành lá rồi phơi khô hoặc sao đen, để dành sắc nước uống khi cần.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

Bình luận