Từ 1 điểm cấp cứu đầu tiên
Theo BS Võ Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, trước năm 2013, TPHCM chỉ có một địa điểm cấp cứu duy nhất là tại bệnh viện Trưng Vương, điều này gây không ít khó khăn, hạn chế tính kịp thời trong việc cấp cứu, đặc biệt là những nơi xa như Củ Chi, Nhà Bè… vì phải mất hơn 1 giờ mới có thể đến các địa điểm trên.
Sau năm 2013, UBND TPHCM quyết định thành lập Trung tâm cấp cứu 115, sau đó, trung tâm đã cùng Sở Y tế tiến hành làm việc với tất cả các bệnh viện trong thành phố, như: Triều An, Bình Tân, Bình Chánh, Cần Giờ, Quận 7, Quận 2, Phúc An Khang... để hình thành nên mạng lưới cấp cứu 115 phủ 24 quận, huyện. Hiện nay, trung tâm đã phủ được 23 trạm cấp cứu vệ tinh trong toàn thành phố.
Từ khi nhận cuộc gọi, trong vòng 10 phút, xe cấp cứu 115 đã có mặt.
Với nhiệm vụ được giao, trung tâm sẽ bố trí 30 kíp thường trực 24/24, sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước nhập viện của người bệnh trên địa bàn, đặc biệt là đáp ứng cấp cứu trong tình huống tai nạn hàng loạt hoặc thảm họa xảy ra.
Khi có nhu cầu về cấp cứu, người dân gọi số 115 để được kết nối trực tiếp đến tổng đài 115 của trung tâm. Tổng đài sẽ thu thập một số thông tin về tình trạng người bệnh và tiến hành điều xe từ trạm gần đó nhất. Đội cấp cứu sau khi tới hiện trường sẽ thực hiện sơ cấp cứu, sau đó vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất, có chuyên khoa phù hợp với tình trạng bệnh lý để tiếp tục điều trị.
Xe cấp cứu của trung tâm sẽ đến nơi nhận bệnh chỉ trong vòng 10 phút từ khi có cuộc gọi do Trung tâm đã có mạng lưới cấp cứu rãi khắp 24 quận, huyện.
Mục tiêu mà Trung tâm 115 hướng đến là cấp cứu kịp thời khi người dân có yêu cầu. Điều này đã chứng minh tính hiệu quả của Trung tâm cấp cứu 115 theo mô hình mở.
Trước đây, có một trường hợp bị tai nạn giao thông, gãy xương đùi ở Củ Chi, sau khi nhận được cuộc gọi, Trung tâm 115 đã chuyển cuộc gọi đến Bệnh viện Xuyên Á – nơi gần với địa điểm có người cần cấp cứu, 10 phút sau xe cấp cứu đã có mặt tại hiện trường, tiến hành sơ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện Việt Á mổ kịp thời, sau khi xuất viện, không để lại di chứng cho bệnh nhân.
Có gì bên trong xe cấp cứu 115?
Ngoài việc được trang bị còi ưu tiên giúp xe có thể chạy nhanh, bên trong xe còn được trang bị hệ thống thiết bị giống như 1 phòng cấp cứu thu nhỏ nhằm thực hiện việc sơ cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Trên xe lúc nào cũng có 1 bác sĩ, 1 - 2 y tá để hỗ trợ bệnh nhân.
“1 cuộc gọi, 1 niềm tin và 5 phút sẵn sàng”
Bác sĩ Huy chia sẻ: Trung tâm cấp cứu 115 là một trung tâm độc lập, thu nhập thấp nhưng áp lực công việc lớn. Đặc thù của công việc là bất ngờ, kịp thời nên mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng. Do vậy, việc kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập trong đội ngũ các y, bác sĩ và nhân viên tại trung tâm là không thể. Ngoài ra, trung tâm còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng.
Khẩu hiệu “1 cuộc gọi, 1 niềm tin và 5 phút sẵn sàng” của trung tâm: Khi nhận được cuộc gọi thì trong vòng 1 phút ê kíp đã sẵn sàng, xuất xe lên đường làm nhiệm vụ.
Trước đây, khi chỉ có một địa điểm tại bệnh viện Trưng Vương thì trung bình trung tâm nhận khoảng 30 cuộc gọi/ngày, đến nay, thì khoảng 100 cuộc gọi/ngày và khả năng trung tâm đáp ứng đạt 60% – 70%, trung tâm đang cố gắng để chỉ số này tăng dần.
Trung tâm luôn có từ 5 - 6 tổng đài viên chia ca trực và tại khu vực này có camera quan sát. Ngoài việc trực điều xe, trung tâm còn thực hiện việc tư vấn sơ cấp cứu tại nhà cho bệnh nhân trong khi chờ xe cấp cứu đến.
Chi phí trọn gói thấp
Chi phí cho 1 lần sử dụng dịch vụ cấp cứu 115 không cao do trung tâm hoạt động mang tính an sinh xã hội nên chi phí thấp hơn với những trung tâm tư nhân khác. Thường khách hàng chỉ thanh toán 150.000 đồng/cả ê kíp gồm 1 bác sĩ, 1- 2 y tá, tài xế, không phân biệt ban ngày hay ban đêm; phần xăng xe căn cứ vào số km, phí trang thiết bị tính bằng giá bệnh viện.
Với những hoàn cảnh khó khăn, không có người thân, vô gia cư… trung tâm sẵn sàng phục vụ miễn phí.
Hiện nay, trung tâm cũng rất “đau đầu” về hiện tượng gọi cấp cứu mang tính "chọc phá" từ những người vô ý thức. Vì khi làm như vậy, ngoài việc làm thiệt hại về tài chính cho trung tâm, vô tình chúng ta đã cướp mất đi một cơ hội cấp cứu cho người khác, cướp mất đi sự sống của một con người.
Điểm son của ngành y tế
Việc hình thành và hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 được xem như là điểm son của ngành y tế, từ 1 điểm ban đầu thì đến cuối tháng 4/2017 đã có từ 23 – 25 trạm vệ tinh cấp cứu xuyên suốt các quận, huyện trong thành phố.
Có thể nói rằng, đây là một công việc đòi hỏi nhiều áp lực, căn thẳng và mệt mỏi. Để gắn bó lâu dài, đòi hỏi người làm chuyên môn phải rất yêu nghề thì mới có thể bám trụ được. Ngoài ra, họ còn gặp nhiều rủi ro hơn so với khi cấp cứu trong môi trường bệnh viện, rủi ro đến từ người nhà bệnh nhân hay chính từ bệnh nhân. Một công việc có nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, do đó, đòi hỏi người gắn bó phải có tâm để có thể vượt qua những "tai nạn nghề nghiệp" mà không may gặp phải.
Chương trình Chuyện Đời Chuyện Nghề phát sóng lúc 18h15 ngày thứ 7 hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz và trang web www.VOH.com.vn. Đồng thời được livestreaming trên fanpage RADIO VOH. |