Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ông L. từng có tiền sử về dị ứng với thuốc Tây.
Ngày 27/9, ông bị đau nhức mắt, mắt có ghèn nên đã đến tiệm thuốc tây trong xã mua thuốc về uống. Ông L. đã uống 4 loại thuốc chưa rõ cụ thể từng loại thuốc.
Chiều cùng ngày, ông bị mẩn ngứa khắp người nghi do dị ứng thuốc nên đã đến Trạm y tế xã sơ cứu. Tuy nhiên, tại đây, khi đang đi vệ sinh thì ông bị ngất xỉu rồi bất tỉnh nên người nhà phải đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, ông L. được đưa đến Khoa Cấp cứu khoảng 18 giờ 35 phút trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, da tái lạnh, đồng tử giãn…
Các bác sĩ xác định ông L. đã tử vong ngoại viện do sốc phản vệ độ IV thuốc tân dược không rõ loại.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện đau, ốm cần đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn biện pháp chữa trị, uống thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là với những bệnh nhân đã có tiền sử về dị ứng với các thành phần của thuốc.
Tự mua thuốc uống rất nguy hiểm
Nhiều người khi xuất hiện triệu chứng bệnh thường có thói quen tự mua thuốc về điều trị hoặc điều trị theo mách bảo của người xung quanh, thậm chí sử dụng đơn thuốc của người khác.
Một số người bệnh mua vài liều thuốc để uống, thấy giảm các triệu chứng là ngưng uống thuốc luôn. Nhiều lần như vậy, thấy bệnh tình hoặc tình trạng khó chịu có thể giảm, thậm chí khỏi, nên họ coi đó là chuyện bình thường.
Có bệnh nhân sau khi uống thuốc hoài không hết bệnh, mới chịu đi khám, đem bọc thuốc cho bác sĩ xem thì bác sĩ có khi cũng không biết đó là thuốc gì, vì đã được lột bỏ vỏ hộp.
Các chuyên gia khuyến cáo, với trẻ em, khi tự ý điều trị, không hợp lý, không đủ liều, không đúng bệnh sẽ dẫn tới trường hợp bị kháng thuốc. Đối với những bệnh lý phức tạp, việc tự ý dùng thuốc bừa bãi có thể làm khuất lấp triệu chứng nhưng bệnh vẫn phát triển, dẫn đến khó trị. Một số trường hợp, bệnh nhân có nguy cơ bị tử vong do sốc phản vệ hoặc dị ứng trầm trọng.