Tức giận làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong 40 phút sau đó

VOH - Các nhà khoa học Mỹ vừa cảnh báo, giận dữ thực sự có thể giết chết bạn. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những khoảnh khắc tức giận ngắn ngủi có thể làm suy giảm chức năng của mạch máu, có khả năng làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong tối đa 40 phút. 

Tiến sĩ Daichi Shimbo, tác giả nghiên cứu và giáo sư y khoa tại Đại học Columbia cho biết: “Chúng tôi thấy rằng việc khơi dậy trạng thái tức giận sẽ dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu. Mặc dù chúng tôi vẫn chưa hiểu điều gì gây ra những thay đổi này”.

Các triệu chứng đột quỵ thường rất nhanh chóng. Bệnh nhân bị đột quỵ thường có thể bị gục mặt sang một bên, gặp khó khăn khi nâng cả hai tay và nói ngọng. Trong trường hợp này, xử trí nhanh là rất cần thiết, vì việc điều trị ngay lập tức cho cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ nhẹ có thể làm giảm đáng kể biến chứng nguy hiểm do đột quỵ.

gian-du-040524
Tức giận làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong 40 phút sau đó - Ảnh: Getty Images

Các nhà nghiên cứu mô tả hiệu ứng này là "sự suy giảm sự giãn nở của mạch máu". Về lý thuyết, việc cung cấp máu bị gián đoạn có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. 

Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu trung bình từ 280 tình nguyện viên ở độ tuổi 26. Tất cả những người tham gia đều được hướng dẫn thư giãn trong 30 phút, trong thời gian đó họ không được phép nói chuyện, sử dụng điện thoại, đọc sách hoặc ngủ. 

Việc đo huyết áp được thực hiện trước khi mỗi người được giao ngẫu nhiên một trong bốn nhiệm vụ kéo dài 8 phút. Mỗi người được yêu cầu nhớ lại một kỷ niệm cá nhân khiến họ tức giận; hoặc nhớ lại khoảnh khắc lo lắng; hoặc đọc một loạt câu nói buồn bã được thiết kế để gợi lên cảm giác buồn bã; hoặc đếm liên tục đến 100.

Các phép đo huyết áp và độ giãn mạch được thực hiện sau 3 phút và lặp lại ở các thời điểm 40, 70 và 100 phút sau. Mẫu máu cũng được lấy để đánh giá sức khỏe tế bào.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy: “Những người nhớ lại các sự kiện trong quá khứ gây ra sự tức giận sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng giãn nở của mạch máu, từ 0 đến 40 phút sau khi thực hiện nhiệm vụ này. Sự suy yếu không còn xuất hiện sau phút thứ 40”.

Tiến sĩ Glenn Levine, giáo sư y khoa tại Đại học Y Baylor ở Houston, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, sức khỏe tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và các trạng thái cảm xúc cấp tính mãnh liệt - chẳng hạn như tức giận hoặc căng thẳng, có thể dẫn đến các biến cố về tim mạch.

Ví dụ, nỗi buồn mãnh liệt hoặc những cảm xúc tương tự là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh cơ tim Takotsubo (hội chứng trái tim tan vỡ). Trong khi đó, các sự kiện như động đất hoặc xem một trận bóng đá gây căng thẳng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và rối loạn nhịp tim.

Đầu năm 2024, một dữ liệu đáng báo động tiết lộ, số ca tử vong sớm do các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Bình luận