Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh kết hợp túi thuốc F0 !

(VOH) - Hiện nay do không biết rõ công dụng điều trị, một số F0 tự ý bổ sung thêm kháng sinh khi điều trị tại nhà.

Với chương trình điều trị cho F0 tại nhà, tổng số túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà hiện nay có 3 loại túi gồm túi A là thuốc hạ sốt và các loại thuốc nâng cao thể trạng bệnh nhân, túi B thuốc kháng viêm, kháng đông và túi C thuốc kháng virus Molnupiravir.

Tùy theo hướng dẫn của bác sĩ tại trạm y tế thì F0 sẽ được sử dụng cụ thể trên nền bệnh của mình. Tuy nhiên, hiện nay do không biết rõ công dụng điều trị, một số người tự ý bổ sung thêm kháng sinh.

Điều này là sai lầm và tuyệt đối không nên bởi kháng sinh sử dụng một cách bừa bãi sẽ dẫn gây lờn thuốc. Khi điều trị tại nhà, nếu người dân muốn dùng những thuốc nào ngoài thuốc được y tế cấp trong chương trình điều trị F0 tại nhà, phải có sự chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh thì phải có ý kiến chuyên môn một cách rõ ràng, tránh xảy ra rủi ro cho sức khỏe mà không đạt hiệu quả điều trị.

Liên quan đến vấn đề vừa nêu, phóng viên VOH phỏng vấn Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan – Chủ tịch Hội Dược học, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh

Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh kết hợp túi thuốc F0! 1
Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan Chủ tịch Hội Dược học, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh.  Ảnh: TTO

*VOH: Về chương trình đưa túi thuốc F0 xuống tại cơ sở, cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà có đánh giá bao quát chương trình này?

PGS Phạm Khánh Phong Lan: Từ ngày 20/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố có chủ trương phải trang bị túi thuốc cho F0 tự điều trị tại nhà để đáp ứng kịp thời cho bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện.

Thuốc cơ bản thì phải ứng phó lại được những triệu chứng của bệnh và nếu như có triệu chứng về suy hô hấp nguy kịch thì cũng có những thuốc giải quyết triệu chứng để duy trì sức khỏe và bệnh nhân có thể đến những cơ sở y tế.

Từ ngày 20/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã hết sức khẩn trương lên danh mục, rồi trang bị và phân bổ thuốc về trung tâm y tế quận, huyện. Từ trung tâm y tế xuống phường, xã theo danh mục F0 quản lý, tiến hành đưa túi thuốc xuống cho bệnh nhân

Có tín hiệu đáng mừng bên cạnh túi thuốc A, B thì từ ngày 25/8, chúng ta đã được bổ sung thêm túi thuốc C, thuốc kháng virus, diệt virus Molnupiravir. Đây là thuốc điều trị chính, sản xuất tại Việt Nam chưa đưa ra thương mại hóa. Tất cả kết quả điều trị cho F0 tại nhà góp phần tạo nên dữ liệu trong hồ sơ để thuốc chính thức đưa ra thị trường trong thời gian tới.

*VOH: Sử dụng kết hợp túi A, B, C trong điều trị tại nhà, F0 nên lưu ý những vấn đề gì tránh sử dụng sai ảnh hưởng quá trình điều trị của mình?

PGS Phạm Khánh Phong Lan: Những F0 tại nhà lưu ý như sau:

Những triệu chứng ban đầu của bệnh nhân F0 tại nhà sẽ nhẹ, nếu có sốt thì chúng ta sử dụng túi thuốc A trong đó có Paracetamol hạ sốt, có thể sử dụng 2 đến 3 lần một ngày. Bên cạnh đó sẽ có vitamin có thể bổ sung.

F0 có thể sử dụng túi C, thuốc kháng virus Molnupiravir nếu SPO2 trên hoặc bằng 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút . Liều dùng mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần sáng tối, sử dụng trong 5 ngày. Sau 5 ngày sẽ xét nghiệm lại và có những trường hợp kết quả rất khả quan, âm tính.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại nhà, F0 có thể rơi vào tình huống như đột ngột nặng hơn nhịp thở tăng 30 lần/phút, SPO2 giảm xuống dưới 95% thì F0 ngưng sử dụng túi C mà chuyển sang túi B, trong đó có thuốc corticoid và chống đông máu, sử dụng trong 3 ngày.

Sử dụng túi thuốc này để làm giảm triệu chứng nặng và trong thời gian này chúng ta báo ngay cho y tế địa phương để chuyển đến bệnh viện theo tuyến điều trị.

Thường 80 đến 90% F0 có những triệu chứng nhẹ, nếu được điều trị đúng cách, đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng tốt thì sẽ tự khỏi bệnh.

*VOH: Nhiều người có tâm lý dùng thêm kháng sinh kết hợp với túi thuốc này hy vọng sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Bà có khuyến cáo gì?

PGS Phạm Khánh Phong Lan: Về góc độ chuyên môn khi cân nhắc và đưa ra túi thuốc này, chúng tôi cũng dựa vào phác đồ Bộ Y tế, Sở Y tế và đây cũng là đúc kết kinh nghiệm từ rất nhiều phác đồ điều trị của các bác sĩ trong và ngoài nước.

Túi thuốc A là thuốc không kê đơn có thể đơn giản, tuy nhiên thuốc kháng đông và kháng viêm phải sử dụng theo chỉ định bác sĩ, do đó chỉ giới hạn trong 3 ngày.

Tôi thấy dư luận có phản ánh một số nơi dùng thêm kháng sinh, điều này tuyệt đối không nên vì không có tác dụng gì cả. Kháng sinh là tiêu diệt vi khuẩn, trong điều trị F0 tại nhà kháng sinh không có tác dụng điều trị theo phác đồ đã đưa ra, thậm chí dùng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc, đề kháng kháng sinh rất nguy hiểm về sau.

Thuốc kê đơn phải bắt buộc có chỉ định của bác sĩ để sử dụng an toàn và đạt hiệu quả!

*VOH: Cảm ơn bà !