Tại chương trình truyền thông sức khỏe cho người dân với chủ đề “Ung thư tuyến giáp dưới góc nhìn ngoài khoa” do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, Ths. BS Hoàng Vũ, khoa Phẫu thuật Lồng ngực - mạch máu cho biết: Độ tuổi mắc UTTG trung bình ở nam giới là 54 tuổi và nữ giới là 49 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây bệnh UTTG ngày càng trẻ hóa, số người trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều.
Bệnh phát hiện sớm sẽ có khả năng chữa trị cao, trên 90% sẽ qua khỏi, điều chúng ta cần làm là hiểu rõ về bệnh để có thể phát hiện kịp thời.
Xem thêm: Những thực phẩm ‘đại kỵ’ với người bị bệnh tuyến giáp
Chẩn đoán và phẫu thuật UTTG
Tuyến giáp là tuyến nội tiết của cơ thể, nằm ở vị trí vùng cổ, thường có hai thùy là thùy phải và thùy trái được nối với nhau bằng eo tuyến giáp. Cực trên của tuyến giáp liên quan tới động mạch giáp trên và cực dưới liên quan tới động mạch giáp dưới.
Theo Ths. BS Hoàng Vũ, UTTG là tình trạng tế bào tuyến giáp bị biến đổi thành những tế bào bất thường và không theo sự kiểm soát của cơ thể. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm 90% trong các bệnh về ung thư tuyến nội tiết nói chung và 3,6% trong các bệnh ung thư nói riêng.
Đa số là ung thư thể nhú chiếm 80% và ung thư thể nang chiếm từ 5 - 10%. Chủ yếu phát hiện qua việc chẩn đoán siêu âm tuyến giáp, FNA.
Về phẫu thuật tuyến giáp, các bệnh viện từ tuyến dưới đến tuyến Trung ương đều có thể phẫu thuật được. Tuy nhiên, đáng lo nhất là biến chứng sau ca mổ, nhất là khi phẫu thuật viên làm tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và tuyến cận giáp - gây ra rất nhiều biến chứng đi kèm làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chính vì vậy, việc nắm rõ giải phẫu thần kinh và các tuyến cận giáp sẽ giảm thiểu được tai biến, biến chứng sau mổ.
“Phẫu thuật tuyến giáp nói chung không phải là khó, tuy nhiên phẫu thuật như thế nào để làm giảm được nguy cơ tái phát sau mổ mới là đáng nói” - Ths. BS Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, năm 2015 phân loại thành 3 tầng nguy cơ gây tái phát UTTG gồm: Nhóm nguy cơ thấp (tỷ lệ tái phát từ 1 - 10%), nhóm nguy cơ trung bình (tỷ lệ tái phát từ 10 - 40%) và nhóm nguy cơ cao (tỷ lệ tái phát 30 - 55%).
Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh
Các bác sĩ thường chẩn đoán và phát hiện UTTG qua lâm sàng và cận lâm sàng. Qua lâm sàng, biểu hiện bằng một nhân giáp đơn độc, giai đoạn sớm thường không có biểu hiện, giai đoạn muộn thường bị khàn tiếng, nuốt nghẹn. Cận lâm sàng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp bình thường, qua siêu âm tuyến giáp và sinh thiết (FNA).
Vai trò của siêu âm tuyến giáp đối với phát hiện UTTG rất quan trọng, có thể coi đây là tiêu chuẩn vàng để phát hiện bệnh. Dựa vào 5 mức độ TIRADS người ta phân loại mức độ ác tính của nhân UTTG tăng dần tỉ lệ thuận với mức độ TIRADS từ 1 - 5 tương đương với mức độ lành tính, không nghi ngờ, nghi ngờ ít, nghi ngờ vừa và nghi ngờ cao.
Ngoài ra, trong chẩn đoán UTTG còn có chẩn đoán giai đoạn qua việc phân loại TNM (T (Tumour) là kích thước khối u; N (Nodes) là mức độ lây lan khối u; M (Metastasis) là di căn) và độ tuổi của bệnh nhân (trên 55 tuổi và dưới 55 tuổi) các y bác sĩ sẽ phân chia giai đoạn bệnh.
UTTG thường gặp ở thể nhú và nang nhiều hơn, tuy nhiên cũng có trường hợp về UTTG thể tủy, tỷ lệ mắc bệnh rất hiếm chỉ chiếm 2%. Bên cạnh đó còn có UTTG thể kém biệt hóa, thể này rất rất là hiếm gặp và khi đã chẩn đoán được bệnh đầu là giai đoạn IV.
Về điều trị trong phẫu thuật tuyến giáp nói chung và UTTG nói riêng gồm rất nhiều phương pháp điều trị, trong đó có 6 hình thức điều trị tiêu chuẩn là: Phẫu thuật; Xạ trị, Liệu pháp iod; Hóa trị; Liệu pháp hormone; Điều trị đích và theo dõi sau mổ.
Những tai biến, biến chứng sau mổ thường gặp nhất là tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược và suy cận giáp.
Tóm lại, UTTG là loại bệnh phổ biến và rất dễ gặp với cuộc sống hiện đại, để đề phòng trước bệnh UTTG cần tránh tiếp xúc với môi trường phóng xạ, có chế độ ăn uống khoa học “ăn chín uống sôi”; đảm bảo đủ lượng i-ốt cho cơ thể; kiểm tra sức khỏe định kỳ, phụ nữ thường có khả năng mắc UTTG cao hơn so với nam giới, đặc biệt trong giai đoạn sinh đẻ nên cần phải thận trọng trong thời kỳ này.