Vi rút Zika nguy hiểm đến mức nào?

(VOH) - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ mới đây đưa ra bản đồ các quốc gia xuất hiện các ca nhiễm hoặc có bằng chứng nhiễm vi rút Zika. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phát hiện kháng thể vi rút Zika ở người khỏe mạnh.

Bản đồ các quốc gia xuất hiện các ca nhiễm hoặc bằng chứng nhiễm vi rút Zika: Vùng màu tím đậm là các nước có ca nhiễm, Việt Nam thuộc vùng chấm tím - là các quốc gia phát hiện kháng thể virus Zika ở người khỏe mạnh (Ảnh: cdc.gov)

Vậy, Zika là gì và chúng ta có cần phải lo lắng về một đợt bùng phát Zika hay không. Dưới đây là một số điều bạn cần biết về vi rút này.

Zika là gì?

Zika là một vi rút do muỗi truyền. Sau 3 - 12 ngày kể từ lúc bị muỗi có mang vi rút Zika chích, ba phần tư số người bị chích sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ, phát ban, mắt đỏ, đau đầu và đau khớp.

Căn bệnh lây truyền qua muỗi này đã xuất hiện ở các nước Brazil, Panama, Venezuela, El Salvador, Mexico, Suriname, Cộng hòa Dominica, Colombia, Guatemala,  Paraguay và Mỹ.

Điều trị zika

Hiện chưa có thuốc trị bệnh, và bệnh thường tự hết sau khi nghỉ ngơi và ăn, uống nhiều chất lỏng, nước trong khoảng một tuần.

Zika có gây tử vong?

Không, nhưng bệnh có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.

Các nhà chức trách Brazil vào tháng 11/2015 đã tìm ra sự liên hệ giữa vi rút Zika với đột biến ở trẻ sơ sinh gây di tật đầu nhỏ, một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng làm hạn chế khả năng phát triển não bộ và thể chất của trẻ.

Một em bé bị dị tật đầu nhỏ tại Brazil (Ảnh: Foxnews)

Brazil đã báo cáo gần 2.000 trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ hoặc não nhỏ bất thường, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong năm 2015, Brazil đã khuyến cáo phụ nữ trì hoãn mang thai nếu có thể.

Tuy nhiên, CDC cho biết, có nhiều nguyên nhân gây tật đầu nhỏ ở trẻ, phải mất một thời gian để xác định nguyên nhân của những trường hợp này.

Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, chưa có khẳng định nào về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ.

Có nên lo lắng?

Có. Theo The Wall Street Journal, một phụ nữ tại Houston mới đây đã được chẩn đoán nhiễm vi rút Zika sau khi đến El Salvador du lịch.

Một trường hợp khác ở Puerto Rico cũng được chẩn đoán nhiễm Zika dù không đi du lịch, có nghĩa là virus đã được truyền từ một con muỗi địa phương. 

Muỗi có thể lây truyền vi rút Zika từ người này sang người khác (Ảnh: Getty)

Vi rút Zika có thể lây từ người này sang người khác thông qua muỗi. Muỗi đốt người nhiễm Zika dù chỉ trong thời gian "tương đối ngắn" sau đó đốt người khác là có thể lan truyền virus.

Như vậy, nếu đi du lịch đến các khu vực có vi rút Zika, rất có thể bạn sẽ bị nhiễm vi rút nếu không may bị muỗi đốt.

Phụ nữ mang thai nên làm gì?

Phụ nữ mang thai đi du lịch đến các khu vực bị ảnh hưởng phải có biện pháp phòng ngừa, như "sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc áo sơ mi dài tay và quần dài; và ở trong những nơi có điều hòa không khí hoặc cửa sổ và cửa ra vào có lưới chống muỗi" - CDC cho biết.

Theo CDC, tình hình chưa đến mức phải báo động, hiện tại người dân chỉ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thông thường để tránh bị muỗi đốt như sử dụng thuốc chống muỗi, mặc quần dài và áo sơ mi dài tay.

Vi rút Zika lần đầu tiên được phát hiện ở châu Phi trong những năm 1940 nhưng đến năm 2015 mới xuất hiện ở châu Mỹ. Brazil ước tính, có khoảng từ 500.000 đến 1,5 triệu người có thể đã bị nhiễm vi rút Zika trong năm qua. 

Ngày 12/1/2016, Cục Y tế dự phòng khẳng định, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút ZIKA. Tuy nhiên, nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - là muỗi truyền vi rút ZIKA. Đồng thời, hiện nay vi rút ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á - nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn, nên loại vi rút này có nguy cơ xâm nhập và lan truyền tại nước ta.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi sát diễn biến và nguy cơ của bệnh, cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.