Bác sĩ Đinh Thạc, trưởng phòng Công tác xã hội, bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngộ độc chì ở trẻ em là một trong những vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng. Với nhóm trẻ dưới 5 tuổi, việc bị ngộ độc chì còn trở nên nguy hiểm hơn vì sức đề kháng các bé yếu, hay bệnh vặt. Và một số phụ huynh có thói quen tự điều trị cho con, thay vì đến bác sĩ chuyên khoa. Điều này vô tình khiến các phụ huynh cho con em mình uống thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó có thuốc cam
Thuốc cam nguy hiểm như thế nào?
Theo bác sĩ Đinh Thạc, trong pha chế thuốc cam người ta dùng chất chì rất độc hại với sức khỏe, gây tổn thương hệ thần kinh và biến chứng đường tiêu hóa. Càng nguy hiểm hơn khi trẻ đã bị nhiễm chì, thường không bộc phát liền, khó có thể quan sát được ngay.
Tuy nhiên, nếu trong các trường hợp các bé chậm phát triển thể chất (dù được gia đình chăm sóc về dinh dưỡng tốt), da xanh, tái, giao tiếp chậm, kỹ năng tiếp thu kém…thì nên cho các bé đi khám bệnh, để bác sĩ định lượng lượng chì trong cơ thể bé.
Trong thuốc cam, ngoài chất chì còn có thủy ngân, thạch tín… vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Có phụ huynh còn dùng thuốc cam để tán nhỏ, rơ lưỡi cho bé, như vậy càng độc hại hơn.
Những viên thuốc cam được người dân sử dụng cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương)
Nghe nội dung tư vấn từ bác sĩ Đinh Thạc:
Tránh ngộ độc chì, cần phải lưu ý:
Ngoài sử dụng thuốc cam, trong sinh hoạt hàng ngày phụ huynh nên để ý con trẻ khi cho bé chơi đồ chơi hoặc tiếp xúc với các vật dụng gia dụng.
Chì có thể được pha vào sơn màu cho bền màu nên còn có thể có trong các đồ chơi không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, lưu ý khi bé tiếp xúc với các vật dụng như bàn ghế, tủ có sơn màu vì có thể nhiều loại sơn có sử dụng chì.