Đau lưng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là người bệnh lười vận động và ngồi sai tư thế (Ảnh: Centerworks)
Thầy thuốc tại Đức không thể bỏ qua vấn đề này vì tối thiểu có hai lý do rất thường gặp:
- Số người đau lưng, bất kể nguyên nhân, từ lâu vượt xa mức báo động khi chiếm không dưới 5% dân số. Con số bệnh nhân bên mình dễ gì chịu thua!
- Kinh phí dành cho thuốc đau lưng đang là một nguyên nhân "đục thủng" túi tiền của nhà nước lẫn hầu bao của người dân. Mũi khoan này bên mình dễ gì không bén hơn!
Thêm vào đó, gánh nặng về mặt kinh tế cũng như xã hội do hậu quả nghiêm trọng của bệnh và phản ứng phụ khó lường của thuốc lại gấp ba phí tổn từ chuyện điều trị đau lưng không hiệu quả! Từ chuyện đau lưng rất thông thường, chuyện nhỏ xé ra đủ thứ chuyện to!
Không thiếu bệnh nhân ôm cả xấp hình chụp M-Ray, CT chạy qua chạy lại từ trung tâm chấn thương chỉnh hình này sang phòng khám xương khớp khác để rồi tiền mất dài dài nhưng tật mang càng lúc càng nặng. Nhưng nếu trăm dâu đổ đầu thầy thuốc thì quả thật phần nào oan ức.
Tuy hai tiếng đau lưng nghe nhẹ nhàng, nghe dễ hiểu nhưng nguyên nhân lại phức tạp. Kẹt hơn nữa cho thầy thuốc quá “chuyên khoa” là bệnh ít khi chỉ vì một lý do rõ như ban ngày!
Phức tạp là vì không ít trường hợp bệnh không dính líu với chuyện “thoái hoá cột sống” hay “thoát vị đĩa đệm”. Kỹ thuật chụp hình bây giờ quá tốt nên thường khi cũng có sứt mẻ đâu đó chút đỉnh khiến thầy thuốc cứ dựa vào đó mà chữa riết, khiến bệnh nhân cũng dựa vào đó mà "trăm dâu đổ đầu" cột sống một đời đeo cứng trên lưng.
Nếu đơn giản như thế thì làm gì có người trước đau lưng sau lệ thuộc thuốc giảm đau?!
Nguyên nhân của đau lưng, theo kết quả nghiên cứu ở đại học Michigan, không hiếm khi nằm trên não bộ, qua đó kích ứng thần kinh bị diễn dịch sai lệch thành cảm giác đau lưng!
Khỏi nói cũng biết bệnh nhân thuộc nhóm này cho dù có kéo cột sống mỗi ngày nhiều lần, có châm cứu đầy kim chẳng khác gì con nhím, có ngốn cả bụm thuốc giảm đau thì cơn đau vẫn gõ cửa không cần báo trước!
Ngược lại, các nhà nghiên cứu ở Michigan nghi ngờ là có thể nạn nhân trước đó do một thao tác thái quá, một tư thế sai lệch, nên đúng là đau lưng, nhưng sau đó, mặc dầu chuyện chấn thương đã qua, kích ứng vẫn bị lưu trong não khiến nạn nhân vẫn thấy đau, đau thường hơn và rồi sau đó đau nhiều hơn vì phản ứng phụ của thuốc!
Dù là nguyên nhân nào đi nữa vẫn có một yếu tố giữ vai trò đòn bẩy trong tất cả trường hợp đau lưng. Đó là thiếu vận động! Thống kê cho thấy phần lớn nạn nhân là người vì công việc phải ngồi nhiều, nhất là ngồi bất động trong tư thế quá căng thẳng, chẳng hạn vì quá chăm chú vào màn hình máy vi tính, vào hệ thống sản xuất dây chuyền…
Tư thế này khiến cột sống dễ mất độ cong sinh lý. Thêm vào đó, cơ thành bụng và bắp thịt mặt trước đùi dần dần không còn săn chắc để nạn nhân giữ được tư thế ngồi thẳng lưng. Bắp thịt hai bên cột sống khi đó không còn cân xứng lại thêm gia chủ cách mấy cũng có tư thế ngả nghiêng vì đau.
Sụn khớp khi đó tất nhiên bị bào mòn, đầu xương khi đó khó tranh bị rút ruột. Cột sống, trụ cột cần cho sức sống, khi đó khó… sống!
Cũng vì đau nên nạn nhân càng ít vận động. Vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp tục khiến đau lưng từ vấn đề nho nhỏ ban đầu trở thành vấn nạn của người bệnh. Đáng tiếc vì trong khi thầy thuốc hiện nay thậm chí đang thừa thuốc giảm đau nhưng số người đau lưng chỉ tăng chứ không giảm.
Lý do là người chưa bệnh ít vận động và vì không ít thầy thuốc vẫn chưa chú trọng đúng mức vào các biện pháp vật lý trị liệu cho người đã bệnh! Viên thuốc giảm đau, mũi thuốc kháng viêm rõ ràng không là giải pháp!
Wohlfahrt - thầy thuốc nổi tiếng về tài điều trị chấn thương cho giới thể thao chuyên nghiêp ở CHLB Đức, không vô cớ là tác giả thuộc nhóm có ấn phẩm bán chạy nhất ở CHLB Đức nhờ cuốn sách “Mensch, bewege dich” - có nghĩa là “Người ơi, vận động giùm đi”!
Nói thêm chi mất lòng số người đang an tọa như đóng đinh sau bàn viết, trước máy vi tính, trước máy truyền hình, béo phì nhưng chưa chịu giảm cân bằng cách đổ mồ hôi hạ mỡ máu!