Vì sự bình yên cho nhân dân

(VOH) - Chưa năm nào không khí tết Nguyên đán lại đặc biệt như năm nay: Tết đến nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn đe dọa đến cuộc sống người dân khi xuân về.

Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường thì rất nhiều gia đình phải cẩn trọng, hạn chế tụ tập đông người để giữ bình yên cho mình và cho cả cộng đồng xã hội. Nhưng để có được sự bình yên đó không chỉ là sự chỉ đạo sao sát kịp thời của Đảng, Nhà nước mà còn là sự đóng góp không nhỏ của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội.

bệnh viện dã chiến củ chi
 

Luôn trong tâm thế sẵn sàng trực chiến xuyên tết, Thượng úy Nguyễn Thế Huỳnh, Trợ lý công tác quần chúng, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang cho biết, tuyến biên giới An Giang là một trong những tuyến vừa có địa hình sông nước vừa địa hình đồng bằng, có nhiều điểm qua lại dễ dàng như đường mòn, lối mở nên toàn bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh đã tăng cường để phòng chống người qua lại biên giới trái phép.

Hiện tại, Thượng úy Nguyễn Thế Huỳnh cùng cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ kép, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch Covid – 19, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Anh cho biết nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán rất cao, đặc biệt là người ở nước ngoài về quê ăn tết nên trong thời điểm này đơn vị anh tăng cường lực lượng, tăng cường mức độ, tần suất tuần tra, kiểm soát biên giớ so với ngày thường.

“Trước, trong và sau tết dự kiến lượng người xuất nhập cảnh trái phép có thể sẽ tăng lên, cường độ làm việc sẽ tăng nên cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng trực sẵn sàng chiến đấu cũng như trực phòng, chống Covid -19 nên không về quê ăn tết, ở lại làm tốt nhất công tác phòng chống Covid – 19, để người dân có được cái tết trọn vẹ, an toàn”. Thượng úy Nguyễn Thế Huỳnh nói.

Cũng là một đội ngũ thường xuyên tham gia tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Ngô Việt Anh đang công tác tại khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho biết, bệnh viện Chợ Rẫy có 2 đội phản ứng nhanh thường xuyên tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch và chỉ đạo chuyên môn tại các tỉnh lân cận từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng trong cộng đồng.

Nói về khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Việt Anh cho biết, có nhiều kỷ niệm vui buồn, đặc biệt là giai đoạn 2 tuần đầu ở Đà Nẵng vừa thiếu thốn nhân lực, vật tự, áp lực bệnh đông, nặng, đôi lúc bác sĩ cảm thấy như kiệt sức nhưng sau đó đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tất cả vì bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Anh cho biết, bản thân anh từng có kinh nghiệm làm các ECMO trong bệnh viện nên xung phong, tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng: "Sự đồng lòng của nhân dân Thành phố trong tuân thủ quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, đặc biệt là công tác khai báo, cách ly, khẩu trang, khử khuẩn, sự nỗ lực của các anh, em Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) không quản ngày đêm truy lùng, truy vết các ca F1 liên quan tới những trường hợp dương tính. Bên cạnh đó về mặt điều trị chuyên môn có các thầy cô đầu ngành về truyền nhiễm, hồi sức đã chung tay trong công tác phòng, chống dịch”.

Với vai trò là Trưởng nhóm Thông tin - Đội hình Giảng viên, Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cho biết chị là sinh viên ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch được đào tạo theo hướng bác sĩ y khoa định hướng cộng đồng. Bên cạnh những môn học cộng đồng thì còn có môn về y tết công cộng và sức khoẻ cộng đồng, vì thế chị có các kỹ năng về tìm kiếm thông tin y khoa trên mạng internet, cũng như chọn lọc các nguồn thông tin chính thống: “Chúng tôi còn được học cách tiếp cận cộng đồng, tiếp cận người dân, làm cách nào để họ cung cấp cho mình thông tin chính xác nhất về việc tiếp xúc của họ với các bệnh nhân Covid-19.

Chúng tôi thường đặt ra các câu hỏi mở để bệnh nhân có thể nhớ lại lịch trình của mình, tránh các câu hỏi chỉ trả lời có hoặc không dễ dẫn đến trường hợp khai đơn giản là có, vì nhớ man mán dễ dẫn đến các thông tin sai lệch. Mình chân thành, kiên nhẫn lắng nghe bệnh nhân kể hết lịch trình 1 ngày của bệnh nhân, từ đó truy vết với bệnh nhân F0”, sinh viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cho biết.

khu vực cách ly
Khu vực cách ly tại bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ảnh minh họa

Dịch bệnh khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người may mắn còn công việc để làm thì bị giảm thu nhập, người không may mắn rơi vào cảnh thất nghiệp thì cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khi không có thu nhập nhưng vẫn phải chi trả các loại phí trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhận thấy xung quanh mình có nhiều hoàn cảnh như thế, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh muốn chia sẻ, giúp đỡ để họ có thêm nghị lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Cây ATM gạo do anh sáng chế ra đời từ đó. Không dừng lại ở đó, khi đợt dịch thứ hai bùng phát, anh Tuấn Anh lại tiếp tục sáng chế ra chiếc “ATM khẩu trang”: “Thực sự mà nói, mình đóng góp về kinh tế thì rất nhỏ so với các đơn vị khác nhưng tổng thể mà người dân nhận được thì rất lớn. Ví dụ, mình với một số người bạn đóng góp 5-10 tấn gạo nhưng tổng số lượng gạo mình phát ra đến 3000 tấn thì gấp mấy trăm lần số mình góp. Mình thấy, việc làm của mình góp sức, góp sự sáng tạo là chủ yếu và đem lại giá trị lớn cho người dân nên dù mệt thì mình vẫn cố gắng, vẫn quyết tâm làm”.

Dù lên tuyến đầu hay ở hậu phương thì rất nhiều người dân Việt Nam đã và đang góp sức cùng Chính phủ và các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng chống dịch Covid - 19. Do vậy vẫn cần ý thức tuân thủ phòng dịch của người dân, nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cao độ, sự quyết tâm của các địa phương và lực lượng chức năng.