Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Viêm phế quản kéo dài nên làm gì?

(VOH) - Viêm phế quản kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Vậy nếu bị viêm phế quản kéo dài thì phải làm sao?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Em bị ho và khạc đàm khoảng 4 – 5 năm rồi, em cũng có đi khám ở Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện ở Hóc Môn, cứ mỗi lần đi khám là bác sĩ nói em bị viêm phế quản cấp và viêm phế quản mãn tính rồi cho thuốc em uống. Về nhà em cũng uống thuốc và bệnh cũng giảm được 10 – 20%, tuy nhiên, em không có thời gian để đi khám liên tục, do đó, đến nay bệnh vẫn chưa hết. Em cũng đã thử uống nước tắc pha mật ong khoảng 2 – 3 tháng nhưng vẫn không hiệu quả. Vậy bây giờ em phải làm sao, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em?

Thính giả ở TPHCM

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào anh!

Theo như anh mô tả thì anh bị ho và khạc đàm liên tục 4 – 5 năm nay, bây giờ tình trạng này vẫn còn, anh cũng đã đi khám nhiều nơi thì theo tôi, có thể những chỗ anh đi khám có quá đông bệnh nhân nên bác sĩ chưa có thời gian để tư vấn chi tiết cho anh. Tuy nhiên, người ta cũng đã chẩn đoán và cho anh uống thuốc là chính xác rồi.

Nhìn chung, nếu anh chỉ có viêm phế quản mạn thôi thì anh cần xem lại cơ địa và điều kiện sống của mình, nhất là vấn đề hút thuốc lá hoặc môi trường nơi anh làm việc. Những việc anh có thể làm để giảm bệnh lúc này là:

viem-phe-quan-keo-dai-nen-lam-gi-voh

Viêm phế quản kéo dài phải làm sao? (Nguồn: Internet)

  • Từ bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá: Nếu anh hút thuốc lá thì nên kiêng hút thuốc vì việc điều trị chỉ hết hẳn khi anh loại bỏ được các yếu tố nguy cơ. Nếu các yếu tố nguy cơ vẫn còn, anh dùng thuốc thì bệnh chỉ giảm tạm thời thôi, các yếu tố nguy cơ sẽ kích thích và khiến bệnh viêm phế quản của anh tái phát trở lại. Nếu anh không hút thuốc lá thì cũng cần tránh những nơi có nhiều khói thuốc lá.
  • Tránh xa các yếu tố nguy cơ: Nếu cơ địa anh dễ dị ứng thì khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi, khói, lông chó, lông mèo, mạc nhà,…chúng có thể bám vào niêm mạc mũi xoang rồi kích thích xuống phế quản và gây bệnh. Ngoài ra, nếu công việc của anh có tiếp xúc với hóa chất như nitơ, khói,…thì cũng dễ kích thích niêm mạc phế quản. Vì vậy, anh cần tránh xa các yếu tố nguy cơ đó để bệnh khó quay trở lại.
  • Chế độ ăn uống đảm bảo đủ chất: Anh cũng cần xem lại chế độ ăn, uống của mình có đầy đủ chất không, bởi vì cơ thể hấp thu đủ thành phần dinh dưỡng thì mới có sức kháng bệnh. Ngoài ra, anh cũng chú ý uống nước ấm thay vì uống nước lạnh, bởi vì uống nước ấm vừa giúp cơ thể đủ nước, vừa giúp long đờm, dịch đờm trong hơn và dễ dàng khạc nhổ ra ngoài.
  • Vệ sinh mũi hàng ngày: Anh cũng cần vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ mũi hoặc khà nước muối hàng ngày. 
  • Cố gắng giữ ấm cơ thể, đừng để bị lạnh.

Như vậy, để viêm phế quản không kéo dài thì anh cần chú ý loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, anh cũng cần phối hợp với bác sĩ, ngoài dùng thuốc đúng chỉ định, tái khám định kỳ thì cần tránh thức khuya, không hút thuốc lá, ăn uống đủ chất, giữ ấm cơ thể, khi đi ra ngoài nhớ đeo khẩu trang,…có như vậy, bệnh mới có thể được đẩy lùi nhanh chóng.

Nếu bệnh vẫn không khỏi thì anh nên đi khám lại và thông báo cho bác sĩ là tình trạng bệnh đã kéo dài dai dẳng, khi đó bác sĩ sẽ kiểm tra xem ngoài viêm phế quản thì anh có bị vấn đề của xoang, của dạ dày hay không,…sau đó bác sĩ sẽ đánh giá và giúp anh điều trị dứt điểm.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

Viêm phế quản mãn tính chữa như thế nào là hiệu quả nhất?: Viêm phế quản mãn tính là căn bệnh vô cùng khó chịu bởi những triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài dai dẳng. Vậy liệu viêm phế quản mãn tính có cách chữa dứt điểm hay không?
Nguyên nhân và các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm phế quản: Viêm phế quản là hệ quả của những tổn thương đường hô hấp trên đa phần là do virus. Tình trạng viêm phế quản mạn tính thường được gọi là hen phế quản và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bình luận