Để biết viêm xung huyết bao tử có nguy hiểm không và có khó chữa trị hay không thì hãy tham khảo ngay những lời chia sẻ dưới đây của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay.
Thắc mắc của thính giả:
Chào bác sĩ!
Thưa bác sĩ! Em bị viêm xung huyết bao tử, em xin hỏi bệnh này có nặng không và việc điều trị có khó không? Mong bác sĩ giải đáp giúp em!
Thính giả: Bình Trọng
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:
Thông tin em đưa ra còn quá ít, em nói em bị xung huyết bao tử thì chắc là em đã đi nội soi rồi và khi nội soi thì người ta chẩn đoán ra tình trạng viêm xung huyết bao tử. Theo tôi, em nên xem lại kết quả nội soi xem có HP hay không (HP có dương tính hay không) để việc điều trị được hiệu quả hơn. Bởi nếu khi dương tính với HP thì bác sĩ có thể chỉ định em dùng kháng sinh trong vòng 2 tuần và dùng các loại thuốc khác để “băng” niêm mạc dạ dày lại, giảm tình trạng xung huyết.
Sau 2 tuần dùng kháng sinh và các loại thuốc khác thì người thầy thuốc sẽ cho em ngưng dùng kháng sinh và tiếp tục dùng thuốc trong 4 – 6 tuần nữa để giúp giảm hẳn tình trạng viêm dạ dày.
Điều trị viêm xung huyết bao tử cần phối hợp nhiều biện pháp (Nguồn: Internet)
Việc điều trị viêm xung huyết bao tử nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ từ việc dùng kháng sinh đến việc dùng các loại thuốc khác.
Em hỏi bệnh này chữa có khó không? thì thực tế, đây là một bệnh tâm thể, không đơn giản chỉ điều trị bằng thuốc. Bệnh sẽ gắn với những điều kiện khác như chế độ ăn uống, những áp lực trong cuộc sống, tập luyện, vận động,…Do đó, một khi em lo âu hay có những điều kiện nào khác tác động sẽ khiến bệnh xuất hiện trở lại ngay.
Vì vậy, nếu muốn chữa dứt điểm viêm xung huyết bao tử thì em cần phối hợp dùng thuốc với chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, tập luyện và vận động đều độ, không quá sức...Bên cạnh đó, nên tránh gặp những áp lực, stress trong công việc cũng như cuộc sống. Nếu bệnh tái phát trở lại thì hãy tiếp tục kiên trì điều trị theo phác đồ mà bác sĩ đưa ra.
Trong trường hợp dương tính với vi khuẩn HP thì cần tránh các hành động có thể lây lan cho những người thân trong gia đình.
Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: