Virus Zika và những điều cần biết

(VOH) – Hiện thế giới chưa có văcxin cho Zika nên cách duy nhất tránh mắc bệnh chỉ là tránh bị muỗi đốt.

Virus Zika gây tật đầu nhỏ ở trẻ em. Ảnh: AP

Triệu chứng nhiễm virus Zika giống sốt xuất huyết

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus Zika được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947. Nhưng từ tháng 5/2015, bệnh dịch do virus này bùng phát và lây lan nhanh chóng tại Braxin. Tính đến ngày 23/1/2016, virus này lan truyền đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ.

Khó khăn lớn nhất trong phát hiện bệnh nhiễm virus Zika là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, các dấu hiệu gần giống với bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng với cả nhân viên y tế.

Phụ nữ mang thai tuyệt đối không đi vào vùng dịch

Trong phỏng vấn với Vox, nhà nghiên cứu Zika Scott Weaver giải thích rằng Zika có thể ủ trong cơ thể khoảng 12 ngày trước khi hoành hành. Vì vậy, nếu phụ nữ có thai vài tuần sau khi bị cắn bởi một con muỗi nhiễm virus Zika sẽ có ít cơ hội lây truyền virus cho em bé.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều điều chưa biết về Zika và mối liên quan với thai kỳ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tin rằng trẻ dị tật đầu nhỏ bẩm sinh thường gặp ở những người mẹ có các triệu chứng nhiễm virus Zika gồm sốt, đau nhức xương, phát ban.

Đa phần những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng rõ ràng và nguy cơ đối với bào thai ở những người này cũng chưa được hiểu đầy đủ. Vì thế, tốt nhất trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành thì nên thận trọng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ nữ lùi thời điểm mang thai muộn hơn từ 6-8 tháng để tránh nguy cơ mắc virus Zika. (Nguồn: Reuters)

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang mắc virus Zika

Hầu hết mọi người không biết mình đang nhiễm bệnh, do virus Zika rất khó để nhận biết. 80% phụ nữ mang thai mắc bệnh không biết mình đang nhiễm virus, theo ông David Colombo, Giám đốc bộ phận y học bào thai thuộc Nhóm y tế Sức khỏe Spectrum (Mỹ).

Trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc với vùng dịch, người nhiễm virus có những dấu hiệu như sốt, mắt đỏ, phát ban hoặc đau nhức cơ.

Các triệu chứng khi mắc bệnh gồm sốt, phát ban, viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc hiện tượng nhức đầu, đau cơ. Các triệu chứng này kéo dài trong một tuần. Nếu bạn có những biểu hiện bệnh này sau khi tiếp xúc với khu vực bùng phát virus thì nên đến gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm.

Bình luận