Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Các xét nghiệm cơ bản nên thực hiện khi muốn kiểm tra sức khỏe

(VOH) - Xét nghiệm là cách để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại. Tuy nhiên, với hàng trăm phương pháp xét nghiệm thì bạn nên làm những xét nghiệm gì để kiểm tra sức khỏe?

1. Các phương pháp xét nghiệm hiện nay

Theo Ths.Bs Phan Hữu Phước (Khoa Y, Đại học Quốc gia, Phòng khám Lão khoa Med-vie TPHCM), hiện nay, có rất nhiều chỉ số xét nghiệm giúp kiểm tra sức khỏe và chẩn đoán bệnh lý. Có thể kể một số xét nghiệm thường được thực hiện sau đây:

cac-xet-nghiem-co-ban-nen-thuc-hien-khi-muon-kiem-tra-suc-khoe-voh-1

Xét nghiệm máu là xét nghiệm cơ bản giúp đánh giá nhiều vấn đề sức khỏe (Nguồn: Internet)

  • Xét nghiệm máu: Trong Y học gọi là huyết đồ, giúp đánh giá các thành phần, tế bào trong máu;
  • Đo điện tâm đồ: Giúp kiểm tra hoạt động của tim;
  • Tổng phân tích nước tiểu;
  • Chụp Xquang;
  • Siêu âm;
  • Chụp CT;
  • Xét nghiệm MRI (cộng hưởng từ);
  • Xạ hình giúp phát hiện sớm các thay đổi của vùng cơ tim, não bộ;
  • Nội soi;
  • Xét nghiệm gen;
  • Xét nghiệm miễn dịch nhằm kiểm tra các tổn thương do virus;

Tùy vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để đánh giá, chẩn đoán. Và tùy vào phương pháp xét nghiệm mà chi phí xét nghiệm có thể cao hay thấp. Do đó, để tránh tốn kém và dư thừa thì bạn chỉ nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết nhất.

2. Các xét nghiệm cơ bản giúp đánh giá sức khỏe

Chỉ thực hiện một số xét nghiệm cơ bản, cần thiết sẽ giúp bạn vừa đánh giá được sức khỏe hiện tại, vừa không tốn kém và không gặp một số tai biến khi thực hiện quá nhiều xét nghiệm.

Theo bác sĩ Phước, để đánh giá sức khỏe, bạn chỉ cần thực hiện một số xét nghiệm cơ bản sau đây:

2.1 Xét nghiệm máu

Thông qua các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu,…bác sĩ có thể giúp bạn kiểm tra xem có bị nhiễm trùng hay không hay nhiễm trùng dạng nào, có thiếu máu hay không,…

2.2 Xét nghiệm đường trong máu

Chỉ số đường trong máu có thể giúp bạn chẩn đoán được bệnh đái tháo đường (tiểu đường).

2.3 Xét nghiệm Creatinin

Xét nghiệm này giúp kiểm tra chức năng thận và phát hiện sớm các bệnh lý về thận.

2.4 Xét nghiệm cholesterol và triglycerid

Nhóm người trong độ tuổi trung niên mà có thói quen ăn chất béo nhiều thì nên thực hiện xét nghiệm cholesterol và triglycerit. Các xét nghiệm này giúp kiểm tra mỡ trong máu, đánh giá về bệnh lý rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ cao ở một số bệnh tim mạch, tăng huyết áp.

2.5 Đo điện tim

Đo điện tim sẽ giúp bạn phát hiện nhiều bệnh lý trên tim như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, lớn tim,…

2.6 Xét nghiệm nước tiểu

cac-xet-nghiem-co-ban-nen-thuc-hien-khi-muon-kiem-tra-suc-khoe-voh-2

Xét nghiệm nước tiểu (Nguồn: Internet)

Xét nghiệm nước tiểu để biết trong hệ thống bài tiết nước tiểu có tình trạng viêm nhiễm hay không.

Trên đây là một số xét nghiệm cơ bản nhất cần được thực hiện khi muốn kiểm tra sức khỏe. Chi phí của những xét nghiệm này thường không cao và cách thức thực hiện cũng khá đơn giản. Do đó, khi muốn kiểm tra sức khỏe thì bạn có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm trên, những xét nghiệm khác, chuyên sâu hơn thì chỉ nên thực hiện khi thật sự cần thiết.

Lời khuyên

Xét nghiệm là cách để đánh giá sức khỏe và chẩn đoán chính xác bệnh lý chính xác, tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng. Bác sĩ Phước cho biết, xét nghiệm khi không cần thiết không chỉ tốn kém chi phí mà còn có thể gây ra nhiều tai biến. Ví dụ như chụp MRI hay chụp CT mà có tiêm thuốc cản quang có thể gây sốc phản vệ; hoặc nội soi dạ dày, phế quản cũng có thể dẫn đến nhiều tai biến do ống nội soi hay trình độ kỹ thuật của người thực hiện không cao,…

Nhìn chung, xét nghiệm đúng mức thì nhận lại nhiều lợi ích và xét nghiệm quá mức, dư thừa đôi khi không có lợi mà còn tốn kém, gây hại sức khỏe.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Phan Hữu Phước tại audio bên dưới:

Bình luận