Chờ...

Y tế chuyên sâu dấu ấn cho những kỳ vọng đột phá!

(VOH) - Không khí xuân đang tràn ngập mọi nẻo đường hòa vào sự nhẹ nhàng, thanh thoát một mùa xuân mới lại về, lòng người luôn cảm thấy bồi hồi một cảm xúc an vui khó tả.

Đặc biệt trong ngành y, khi sứ mệnh chữa bệnh cứu người luôn là mệnh lệnh cao cả thì hơn bao giờ hết, những nỗ lực không quản khó khăn là hành trình ngày đêm tiếp diễn. Họ đã khơi nguồn sáng tạo với những ý tưởng mới, ứng dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ vì người bệnh. 

Trẻ sơ sinh sanh non cực nhẹ cân đang được điều trị và chăm sóc tại khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng Thành phố.

Trẻ sơ sinh sanh non cực nhẹ cân đang được điều trị và chăm sóc tại khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Thành tựu đến từ kỹ thuật chuyên sâu

Tuyến quận, huyện giờ đây đã thực sự khởi sắc, tạo niềm tin cho người bệnh từ những trường hợp cấp cứu ngoạn mục đến kỹ thuật chuyên sâu. Sự tích hợp vừa tay nghề giỏi thêm vào sự tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y học là nền tảng của thành công. Không ai nghĩ tuyến quận, huyện giờ đây có thể đặt máy tạo nhịp tim trong hoàn cảnh tối khẩn để cứu một bệnh nhân cao tuổi trên 80, thế mà thành công ấy ngoài mong đợi. Khi người nhà đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch với hội chứng suy hô hấp cấp kèm theo suy tim, rối loạn nhịp tim. Rất nhanh, ê kíp hồi sức cấp cứu và tim mạch đã có mặt kịp lúc, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc. Quyết định không thể chuyển tuyến vì sợ tính mạng bệnh nhân khó lòng giữ được, bệnh viện đặt máy tạo nhịp ngay tại chỗ.

Theo Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc bệnh viện Quận 11, đây là kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên áp dụng tại đây. "Động lực thứ nhất về người bệnh đặt niềm tin cho bệnh viện nhiều hơn, đến đây cũng tốt, hài lòng vì làm nhanh hơn khi vô bệnh viện lớn phải chờ đợi. Còn về phía nhân viên tạo động lực cho nhân viên cống hiến, làm được những dịch vụ kỹ thuật phát triển cao, tiến bộ hơn thì nhân viên có động lực để phấn đấu làm việc hơn", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự thành công ngoài mong đợi trong lĩnh vực ghép tạng nhi. Điều mà hầu như trước đó rất khó thực hiện vì hiếm nguồn tạng. Ghép thận từ người cho chết não lần đầu tiên thực hiện tại bệnh viện chuyên khoa Nhi. Ca phẫu thuật ghép tạng kéo dài trong 6 tiếng đã cứu được một bệnh nhi 15 tuổi, ngụ Lâm Đồng bị suy thận mãn. Êkíp đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng cho sự sống hồi sinh khi nguồn tạng chuyển từ Bắc vào.

Sáng 11/12 vừa rồi, khi bệnh viện nhận được tin báo người hiến chắc chắn cho thận nếu phù hợp, thì lúc đó, bệnh viện đã kích hoạt ngay báo động đỏ đến toàn hệ thống để tập trung mọi nguồn lực tốt nhất cho cuộc ghép thành công. Bồi hồi xúc động trước tinh thần vì người bệnh của cả êkíp ghép thận, cha của bệnh nhi 15 tuổi cho bày tỏ: "Gia đình đã chờ đợi hơn một năm nay, đội ngũ y bác sĩ phối hợp làm tất cả cho người bệnh để cho ca ghép thận thành công tốt đẹp. Đây là một vinh dự lớn, phải nói hạnh phúc rất lớn cho gia đình".

Một điểm không thể quên trong trường hợp ghép này đó là nghĩa cử cao đẹp đến từ người đàn ông trung niên ở Thái Bình, ông có tâm nguyện hiến tặng tạng của mình nếu không may mất đi. "Phải giáo dục trong công chúng điều tốt này ngay từ trong trường học và khi lớn lên tất cả những người trong xã hội hiểu việc hiến tạng này và khi đề nghị làm thẻ hiến tạng thì họ sẵn sàng. Chúng tôi cần hàng triệu người trong xã hội tình nguyện như vậy", Giáo sư Trần Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Niệu thận học Thành phố - phẫu thuật viên chính trong cuộc ghép cho biết về nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng trong cộng đồng.

Trong bệnh lý về máu, hội chứng thực bào máu là một bệnh lý rối loạn miễn dịch dẫn đến tình trạng tổn thương đa cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong. Năm qua, bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố, đã mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng thành công “kỹ thuật dị ghép tế bào gốc trong điều trị hội chứng thực bào máu nguyên phát” vào trong điều trị, được xem là một trong những thành tựu nổi bật về áp dụng kỹ thuật chuyên sâu trong cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố, phân tích: bệnh lý này tỷ lệ tử vong trong tháng đầu tiên nếu không điều trị lên đến 80, 90%. Ca này đã điều trị bằng hóa trị liệu nhưng tái hoạt hóa trở lại, nói chung nếu không ghép, tiên lượng rất xấu. Ca ghép cũng khó khăn, tiến hành trên đối tượng bệnh nhân hội chứng thực bào máu nguyên phát có đột biến gien. Kết quả bước đầu thu được rất tốt bệnh nhân đã xuất viện.

Y tế thông minh

Năm qua, ngành y tế Thành phố cũng đã tiên phong ứng dụng y tế thông minh vào cứu chữa người bệnh và thực tế đã có những bài học sống động với nhiều trường hợp được cứu sống trong gang tấc. PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi đồng 1 nhớ lại, ngày 5/11/2018, bệnh viện Nhi đồng 1 nhận được điện thoại hội chẩn từ bệnh viện Cà Mau đề nghị hỗ trợ tiếp nhận điều trị bé 2 tuổi bệnh tay chân miệng rất nặng độ 4. Nhận thấy bệnh nhi rất nguy kịch, có thể tử vong trên đường chuyển viện, qua hệ thống telemedicine, bệnh viện Nhi đồng 1 trao đổi, hướng dẫn bệnh viện Cà Mau các biện pháp hồi sức tích cực. Nhờ hội chẩn trực tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định hỗ trợ tuyến dưới tiến hành chuyển viện an toàn, bé được nhanh chóng cho thở máy, truyền thuốc điều trị, thuốc vận mạch và nhanh chóng lọc máu, sau đó một tuần bé được cai máy thở, tỉnh táo và xuất viện.

"Ca này minh chứng cho việc hội chẩn trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề nâng cao năng lực điều trị trực tuyến, cũng như góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Phải nói rất khen đội ngũ hồi sức cấp cứu của cả ba bệnh viện, ngay trong đêm khuya đã di chuyển, bất kể thứ Bảy, Chủ nhật, tất cả làm mọi cách cứu đứa bé", PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, bộc bạch.

Tiếp nối những thành tựu trong hoạt động khám, chữa bệnh trong những năm trước, trong năm 2018, các bệnh viện đầu ngành của thành phố tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh nặng và phức tạp và nhờ đó mà nhiều trường hợp được cứu sống như kỳ tích. PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP, đánh giá cao việc vận dụng công nghệ vào công tác khám chữa bệnh. "Khi khám chữa bệnh gặp trường hợp nào khó hoặc điều trị cần thay đổi thuốc hay không, thay vì chuyển bệnh viện lên tuyến cuối, thì các bác sĩ có thể kết nối ngay với bác sĩ tuyến trên bằng công nghệ thông tin gọi là app hội chẩn. Người bệnh có thể thấy mặt bác sĩ tuyến trên từ đó tăng niềm tin cho người bệnh", bác sĩ Thượng nói.

Kể sao cho hết những thành tựu kỹ thuật y tế chuyên sâu trong năm vừa qua, đó không chỉ minh chứng cho tay nghề của đội ngũ y bác sĩ ngày càng cao mà còn thể hiện về sự phát triển vượt bậc của ngành y tế. Khi y tế chuyên sâu được nâng lên tầm cao mới thì trên hết bệnh nhân sẽ được hưởng lợi với những ca bệnh được cứu sống ngoạn mục như kỳ tích. Đó là niềm tự hào khi y tế Thành phố ngày càng phát triển ngang bằng với các nước trong khu vực cũng như cập nhật được những tiến bộ không ngừng của nền y học thế giới./

Bình luận