Việc tăng lãi suất huy động cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc, nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang tăng cao.
Theo VTC, Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động của các ngân hàng khá thấp, chỉ khoảng 1,5%. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, giữ chân khách hàng.
TS Lê Đăng Doanh nhận định, khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng tăng theo để đảm bảo chi phí quản lý và lợi nhuận cho ngân hàng. Doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất để ứng phó với việc tăng lãi suất cho vay.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh với các kịch bản khác nhau để ứng phó với biến động lãi suất. Việc tăng lãi suất đầu vào sẽ kéo theo lãi suất đầu ra tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Xu hướng tăng lãi suất huy động rộ lên từ tháng 5/2024 và đã bước sang tháng thứ ba. Trước đây, lãi suất từ 5%/năm chỉ được áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng trở lên, nhưng hiện nay mức này cũng xuất hiện ở kỳ hạn 6-15 tháng.
Hiện có ABBank, NCB, Eximbank và CB niêm yết lãi suất trên 5%/năm cho các kỳ hạn 6-8 tháng. Đối với kỳ hạn 9-11 tháng, mức lãi suất trên 5% ngày càng phổ biến. Tại thời điểm 6/7, có 10 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 5-5,8%/năm cho các kỳ hạn này.
Đáng chú ý, có đến 23 ngân hàng trả lãi suất huy động từ 5-6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. ABBank niêm yết mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm. Đối với các kỳ hạn dài, lãi suất huy động tăng cao hơn, mức cao nhất là 6,1% đang được NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể lựa chọn gửi tiền tại quầy ở một số ngân hàng để hưởng mức lãi suất "đặc biệt" với điều kiện có tài khoản tiền gửi tối thiểu 200 tỷ đồng.