Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tìm hiểu về phương pháp điều trị và thuốc chữa bệnh viêm phế quản

(VOH) - Viêm phế quản rất nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Bệnh dễ chuyển sang mạn tính nên cần chữa trị dứt điểm bệnh này ngay ở giai đoạn cấp tính.

Phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa và ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ vì sức đề kháng của trẻ yếu hơn.

Bệnh cũng dễ tái phát và nếu không chữa trị triệt để sẽ để lại di chứng cho hệ hô hấp. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu bệnh thì cần đi khám và dùng loại thuốc phù hợp – tránh để bệnh chuyển sang mạn tính, ảnh hưởng đến việc thở và phổi.

Hiện có nhiều loại thuốc điều trị viêm phế quản. Tùy điều kiện mà người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc Đông Y hoặc Tây Y hoặc các bài thuốc dân gian (thường được sử dụng cho trẻ nhỏ vì không gây tác dụng phụ hoặc biến chứng).

Phải trị dứt điểm bệnh viêm phế quản nếu không biến chứng nguy hiểm

Hầu hết, viêm phế quản thể cấp tính có thể tự khỏi hẳn sau 3-7 ngày vì chủ yếu nguyên nhân gây bệnh là vi rút nên việc dùng thuốc là không có kết quả. Đối với những người có dấu hiệu ho có đờm màu xanh, vàng đục, đau tức ngực, khó thở thì cần điều trị tích cực bằng thuốc.

Các loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh viêm phế quản

* Các thuốc chữa triệu chứng viêm phế quản

Thuốc long đờm: Chất tiết ứ đọng ở phế quản làm trở ngại ở đường dẫn khí. Thuốc long đờm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí. Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat.

Nếu chất tiết nhiều và đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như acetylstein, carboxystein. Các chất này tác dụng lên pha gel của chất tiết, làm đứt các cầu nối disulfure của các glycoprotein làm thay đổi cấu trúc và hủy chất tiết.

Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp chứ không vì muốn hết ho ngay mà dùng liều quá cao, vì liều quá cao sẽ làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là làm cho việc tống chất tiết bị trở ngại.

Thuốc kháng viêm: Viêm làm cho việc thông khí bị trở ngại. Dùng corticoid uống, xông hay hít, trường hợp nặng dùng dạng tiêm để kháng viêm.

Lưu ý: với dạng uống và tiêm chỉ dùng liều vừa đủ hiệu lực trong thời gian ngắn (không quá 10 ngày) để tránh tác dụng phụ toàn thân (gây ứ nước, giảm khả năng đề kháng).

Với dạng hít thường ít khi gây tác dụng phụ toàn thân, có thể dùng kéo dài hơn, tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm nên sau mỗi lần dùng cần súc miệng họng thật sạch.

Thuốc chống tắc nghẽn phế quản: Dùng thuốc làm giãn phế quản nhằm giảm sự tắc nghẽn đường dẫn khí như theophylin, các thuốc chủ vận beta 2 (loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol và loại có tác dụng dài như salmeterol, formoterol).

Theophyllin có tác dụng làm giãn phế quản nên giảm sự khó thở. Thuốc làm lợi tiểu, tim đập nhanh, kích thích thần kinh.

Dùng liều điều trị vừa đủ sẽ tận dụng tác dụng chính, dùng liều cao sẽ bị các tác dụng phụ. Khoảng cách giữa liều có hiệu lực và liều độc ngắn, nếu dùng không đúng dễ bị ngộ độc.

Với người lớn, thuốc khó dung nạp, thải trừ chậm, ít gây độc, mỗi ngày chỉ cần dùng 2 lần. Trong khi với trẻ em, thuốc dễ dung nạp, thải trừ nhanh, dễ gây độc, mỗi ngày dùng tới 4-5 lần. Hầu hết thuốc chuyển hóa ở gan, thải trừ qua nước tiểu nên người suy gan thận hoặc trẻ nhỏ khả năng thanh thải chất độc ở gan chưa đủ mạnh thì không nên dùng.

Thuốc tiết qua sữa không nên dùng cho người cho con bú, nếu bà mẹ cần dùng thì cho trẻ ăn sữa bổ sung.

Các thuốc chủ vận beta-2 có tác dụng kích thích thụ thể beta-2 adrenergic dẫn đến giãn cơ trơn, chống co thắt phế quản, làm thông đường thở. Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà chọn thuốc cho phù hợp. Dùng dạng hít xông qua mũi miệng (hiệu lực nhanh, kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản).

Nhóm thuốc này có tác dụng phụ: làm tăng nhu cầu tiêu thụ ôxy khi nghỉ, gây nhịp tim nhanh lúc nghỉ, rối loạn nhịp tim, run tay, hạ kali máu.

Không nên dùng vì hấp thu chậm, khởi phát hiệu lực muộn (không đáp ứng kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản), phải dùng liều cao hơn, dễ gây kích thích tim mạch, kích động, run cơ, nhức đầu.

Kháng cholinergic và chủ vận beta 2 đều gây quen thuốc (đợt sau phải dùng liều cao hơn mới đạt hiệu quả như đợt trước). Không nên dùng kéo dài mà nên dùng ngắt quãng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được chỉ định dùng các thuốc điều trị triệu chứng khác như:

Thuốc hạ sốt: Chỉ nên dùng khi nhiệt độ trên 38,5oC. Dùng thuốc hạ sốt là chế phẩm có chứa paracetamol như: panadol, efferalgan…

Thuốc bù nước và điện giải: Bệnh nhân nên uống oresol hoặc nước hoa quả (có pha thêm muối) khi sốt gây mất nước.

* Các thuốc kháng virut, vi khuẩn chữa viêm phế quản

Kháng virut: Dùng kháng virut để chống lại nguyên nhân gây viêm phế quản mạn. Thuốc thường dùng là loại kháng virut cúm A.

Kháng vi khuẩn: Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một loại kháng sinh hay phối hợp hai loại kháng sinh trở lên.

Một số trường hợp cần dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản là:

  • Người bị viêm phế quản cấp do vi khuẩn gây ra với các triệu chứng như: ho khạc đờm mủ, đờm màu xanh, đờm màu vàng, bệnh đã diễn biến quá 10 ngày, xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao.
  • Người cải thiện lâm sàng chậm hoặc không cải thiện.
  • Người bệnh có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch.
  • Người bệnh trên 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau hoặc người bệnh trên 80 tuổi kèm thêm 1 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau:  nhập viện trong 1 năm trước, có đái tháo đường tuyp 1 hoặc tuyp 2, có tiền sử suy tim sung huyết, hiện đang dùng corticoid uống.
  • Những bệnh nhân sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, ho khan hoặc có khạc đờm trắng, thường là viêm phế quản cấp do virus không cần dùng kháng sinh.

Kháng sinh điều trị viêm phế quản thường được chỉ định gồm: nhóm macrolid, nhóm doxycyclin, nhóm quinolon và nhóm beta-lactam.

- Nhóm macrolid hoặc doxycyclin: Thường áp dụng cho bệnh nhân viêm phế quản cấp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

- Nhóm beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase hoặc nhóm quinolon: Được ưu tiên điều trị cho các trường hợp viêm phế quản cấp có tiền sử dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây; hoặc viêm phế quản cấp ở người có tuổi cao, có bệnh mạn tính kèm theo.

Đó là một số thông tin hữu ích để bạn đọc hiểu thêm về việc điều trị bệnh viêm phế quản. Tuy nhiên, người bệnh hoặc người nhà tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng có thể gặp phải những hậu quả khó lường.

Việc dùng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, phối hợp thuốc ra sao… cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Nằm trong nhóm bệnh liên quan đến viêm phế quản là hen phế quản. Mời quý vị đọc chuyên đề tiếp theo : Phần 4-Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hen phế quản. 
Bình luận