Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những kiến thức cần biết về bệnh viêm phế quản co thắt

(VOH) – Viêm phế quản quản co thắt là bệnh khá phổ biến đặc biệt với trẻ nhỏ. Những kiến thức cơ bản về bệnh giúp cha mẹ chủ động phòng ngừa cho bản thân và trẻ em.

Viêm phế quản co thắt là gì?

Viêm phế quản là viêm nhiễm đường hô hấp dưới ở cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi. Tuy nhiên khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi.

Viêm phế quản co thắt là một trong những dạng của viêm phế quản với biểu hiện ho kèm theo tiếng rít lúc thở vào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít.

Phế quản là đường ống dẫn khí đi từ khí quản vào đến tận phổi. Tình trạng viêm nhiễm lúc đầu là phế quản gốc bên trái và phải, sau đó đến các phế quản nhỏ hơn rồi đến các tiểu phế quản tiếp giáp với các phế nang. Do vậy, khi bị viêm phế quản co thắt, nghĩa là toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt. 

Bệnh viêm phế quản co thắt

Hình minh họa: internet

Vì sao hay nhầm lẫn giữa viêm phế quản co thắt và hen suyễn

Bệnh hen phế quản (hen suyễn) và viêm phế quản co thắt thường khó phân biệt do có các triệu chứng tương tự nhau như ho, khó thở và tức ngực.

Tuy nhiên, viêm phế quản là tình trạng viêm của đường thở thường do siêu vi còn hen phế quản lại là tình trạng viêm mạn tính (kéo dài) đường dẫn khí (phế quản) gây nên phù và chít hẹp đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè.

Dù có triệu chứng tương tự như ho, cơn đau ngực và khó thở song cũng có một vài triệu chứng khác nhau để nhận dạng giữa viêm phế quản co thắt và hen suyễn.

Viêm phế quản co thắt có thể sẽ gây ra cơn sốt nhẹ, ớn lạnh và có chất nhầy ở mũi màu vàng xanh. Một số người bị bệnh hen suyễn sẽ không có những triệu chứng này.

Đặc biệt khi phân biệt hen suyễn và viêm phế quản co thắt ở trẻ, cần đặc biệt chú ý khi bị hen phế quản, trẻ thường xuất hiện cơn hen vào lúc nửa đêm. Quan sát trẻ bị hen thở sẽ thấy khó thở, thở ra co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè (còn gọi là tiếng cò cử). Nghe phổi có tiếng ran ngáy ran rít. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc không sốt. Đặc biệt, hen phế quản hay tái diễn khi thời tiết thay đổi hoặc khi có các yếu tố kích ứng như bụi, khói thuốc, kể cả thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua.

Khi điều trị hen phế quản cho trẻ thì không cần dùng kháng sinh mà phải dùng thuốc đặc trị hen phế quản.

Ở người lớn, việc phân biệt triệu chứng của viêm phế quản co thắt và hen phế quản có phần thuận lợi hơn do có thể khai thác một số triệu chứng rõ ràng giúp cho chẩn đoán. Chẳng hạn người bệnh có những biểu hiện hay ho hoặc nặng ngực, khó thở về đêm, có tiếng thở rít, tiếng cò cử.

Cơn hen phế quản điển hình thường xảy ra giống nhau trong những điều kiện giống nhau. Lúc đầu có thể có các triệu chứng báo trước như hắt hơi, ngứa mũi, sau đó xuất hiện cơn khó thở. Đầu tiên khó thở chậm, thở có tiếng rít, cò cử. Cơn hen thường kéo dài trong 10-15 phút, kết thúc sau một đợt ho khạc nhiều đờm trong, dính. Sau cơn hen bệnh nhân lại sinh hoạt như bình thường.

Những điều kiện xuất hiện cơn khó thở (cơn hen) làm người bệnh chú ý như sau khi ăn (tôm, cá, ốc) hoặc tiếp xúc một loại chất gì đó (phấn hoa), hoặc sau khi gắng sức (làm việc nặng), sau khi dùng thuốc (chẳng hạn dùng thuốc aspirin).

Nguyên nhân và tác hại của viêm phế quản co thắt

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản co thắt chủ yếu là do virus, thông thường là virus RSV làm hẹp tiểu phế quản trong phổi.

Ngoài ra, các loại vi khuẩn  như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Các nguyên nhân khác như hóa chất, mắc dị vật, thời tiết thay đổi, chế độ dinh dưỡng kém... cũng gây ra viêm phế quản co thắt. 

Viêm phế quản co thắt nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, để lại nhiều tác hại:

*Viêm tai giữa: Viêm tai giữa có thể gây suy giảm thính lực, với trẻ nhỏ dẫn đến chậm nói và trí tuệ kém phát triển. Biến chứng này thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc viêm đại tràng co thắt do nhiễm trùng.

*Viêm phổi: Khả năng bị viêm phổi sau viêm phế quản co thắt là khá cao bởi vị trí hai bộ phận này nằm khá gần nhau. Bệnh viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tràn khí màng phổi, apxe phổi đe dọa đến tính mạng.

*Suy hô hấp: Suy hô hấp là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm phế quản co thắt vì nó có thể gây tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời.

Điều trị viêm phế quản co thắt cho trẻ

Trẻ bị viêm phế quản co thắt mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Cần chăm sóc trẻ bằng việc cho ăn, uống nước hay canh ấm để giảm ho, long đờm.

Có thể dùng máy làm ẩm không khí trong phòng của bé hoặc bật vòi hoa sen ấm trong phòng tắm rồi cho bé vào phòng tắm một lúc vài lần một ngày. Hơi ẩm của không khí sẽ làm giảm bớt độ đặc của dịch mũi và đờm, giúp trẻ đỡ ho hơn.

Khi trẻ ngủ, mẹ nên nâng cao phần đầu của đệm nằm, kê gối hoặc ôm trẻ trong vị trí đầu cao hơn có thể giúp bé dễ chịu hơn.

Thường xuyên vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý và hút đờm cho trẻ để dịch mũi không làm nghẹt và ko trôi xuống làm viêm đường hô hấp dưới.

Cho trẻ uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước.

Khi bị ho nhiều, trẻ sẽ không muốn ăn nên mẹ có thể bổ sung cho trẻ sữa công thức, sữa chua,… Bé có thể bị nôn ói vì vậy không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Nên chia nhỏ thành nhiều lần ăn trong ngày.

Nếu bé khó thở nhiều cần cho bé nằm đầu cao để bé dễ ngủ hơn.

Đảm bảo không gian nghỉ ngơi được sạch sẽ, thoáng mát và thoải mái.

Khả năng co thắt sẽ tăng lên gấp nhiều lần với trẻ bị nhiễm virus đường hô hấp khi hít phải khói thuốc lá. Do đó, mẹ cần cách ly trẻ với những nguồn khói thuốc, khói bếp.

Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, làm thông thoáng đường thở để trẻ dễ thở hơn bằng các thuốc giãn phế quản + loãng và long đờm. Không nhất thiết là phải dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn với sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Việc điều trị khỏi và không ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của cháu phụ thuộc nhiều vào việc chăm sóc và phòng bệnh tốt sau này. Điều trị viêm phế quản co thắt trẻ em đòi hỏi sự kiên nhẫn của người lớn vì thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Không tự ý ngưng thuốc mặc dù tình trạng trẻ có khỏe hơn.

- Đối với những trường hợp sau đây, mẹ cần đưa bé đi bệnh viện ngay khi trẻ có các hiện tượng khó thở, cơn co thắt nghiêm trọng hơn, nhịp thở tăng hơn 60 hơi/phút, đau ngực, trẻ không ngủ được dù đã dùng các biện pháp tại nhà như trên, bé ngất hoặc ko thở được, môi xanh tái, trẻ quấy khóc như ốm rất nặng.

Phòng tránh bệnh viêm phế quản co thắt

Cách phòng tránh viêm phế quản co thắt cho người lớn

Tránh tiếp xúc với các môi trường bị ô nhiễm, khói bụi và thuốc lá, khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang bảo vệ đường hô hấp.

Khi thấy dị ứng với loại thức ăn nào thì nên kiêng tuyệt đối không ăn những loại đó

Các loại thú nuôi vật nuôi không nên cho chúng đi tự do trong nhà, cần cách ly thú nuôi với môi trường sinh hoạt hằng ngày.

Tập thể dục đều đặn không chọn các môn thể thao quá sức, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý tránh tình trạng stress kéo dài.

Cách phòng tránh viêm phế quản co thắt cho trẻ em

Viêm phế quản co thắt có thể tái phát, thậm chí tái phát thường xuyên. Do đó việc phòng ngừa bệnh và tái phát bệnh với trẻ rất quan trọng

Trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn yếu, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thú nuôi cũng như luôn giữ vệ sinh môi trường sống và cơ thể cho trẻ.

Nếu trẻ bị dị ứng với mùi hương, phấn hoa, thức ăn cần phải cẩn thận, tránh bị tiếp xúc với các nguồn gây bệnh này.

Không để trẻ bị lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay).

Khi trẻ bị cảm lạnh hay mắc các bệnh thông thường, bệnh nhẹ, nên điều trị dứt điểm ngay, để tránh các biến chứng về sau, nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để trẻ không bị nghẹt mũi

Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA... cần điều trị kịp thời..Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng sức đề kháng.

Người lớn bị cảm nên tránh tiếp xúc với trẻ, nhất là hôn lên mặt trẻ.

Bình luận