Ngón tay bật là gì, ai dễ mắc phải căn bệnh này

(VOH) - Hiện tượng ngón tay bật hay ngón tay co quắp dạng ‘cò súng’ thường diễn ra sau khi ngủ dậy hoặc lúc nắm chặt bàn tay.

1. Ngón tay bật là gì?

Ngón tay bật là bệnh khiến cho ngón tay bị cứng ở một tư thế. Hội chứng ngón tay bật chủ yếu tác động đến lớp mô xung quanh gân ngón tay, gọi là bao gân. Gân là các mô sợi dày gắn cơ với xương. Viêm bao gân làm cho gân không chuyển động một cách trơn tru được nên ngón  tay bị khóa tại chỗ.

ngon-tay-bat-la-gi-ai-de-mac-phai-can-benh-nay-voh-1

Ngón tay bật là tình trạng ngón tay gặp khó khăn khi duỗi, duỗi không tự nhiên (Nguồn: Internet)

Hội chứng ngón tay bật có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường thấy nhất ở những người trên 45 tuổi và nữ giới nhiều hơn nam giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh ngón tay bật

Ngón tay bật xảy ra khi vỏ bao gân của ngón tay bị kích thích và viêm. Trong đó, gân là các dải xơ nối kết cơ với xương. Mỗi gân cơ được bao quanh bởi một vỏ bao bảo vệ. Điều này ảnh hưởng đến chuyển động trượt bình thường của gân cơ ở trong vỏ bao. Ngoài ra, kích thích vỏ bao gân kéo dài sẽ tạo nên sẹo, dày và xơ hóa càng làm cho chuyển động của gân thêm khó khăn.

ngon-tay-bat-la-gi-ai-de-mac-phai-can-benh-nay-voh-2

Đánh máy hoặc sử dụng điệt thoại nhiều có nguy cơ bị ngón tay bật (Nguồn: Internet)

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị ngón tay bật, bao gồm:

  • Cầm nắm nhiều: Các nghề nghiệp đòi hỏi việc sử dụng tay lặp lại và cầm nắm kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bị ngón tay bật. Đối tượng dễ mắc phải là nhân viên văn phòng, thợ may, thợ hồ, nhân viên đánh máy, người bấm điện thoại nhiều…
  • Một số bệnh lý: Mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp cũng có nguy cơ bị ngón tay bật.
  • Giới tính: Bệnh gặp nhiều ở nữ hơn.

3. Triệu chứng ngón tay bật

Triệu chứng ngón tay bật ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể thấy đau nhẹ ở dưới đáy các ngón tay, ấn vào thấy đau, cử động thấy vướng. Đặc biệt ngón cái rất khó gập lại khi cố gắng gập hoặc duỗi ra. Những cơn đau thường nặng vào buổi sáng và nhẹ dần lên trong ngày.

Thương tổn có thể xảy ra ở một ngón hoặc nhiều ngón tay. Người lớn thường bị ngón giữa, còn trẻ em thường bị ngón tay cái.

Khi bệnh nặng, người bệnh sẽ khó cử động ngón tay và đôi khi nghiêm trọng đến mức không thể gập ngón tay vào được.

4. Cách chữa bệnh ngón tay bật

Cách điều trị tốt nhất là làm giảm viêm và khôi phục chuyển động trượt bình thường của gân ở trong bao gân. Ở những trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể được cải thiện bằng cách tránh một số công việc gây ra bệnh. Cho ngón tay nghỉ ngơi bằng một loại nẹp đặc biệt có thể giúp ích.

ngon-tay-bat-la-gi-ai-de-mac-phai-can-benh-nay-voh-3

Nẹp giữ ngón tay được nghĩ ngơi (Nguồn: Internet)

Các trường hợp bệnh nặng hơn có thể tiêm thuốc steroid (cortisone) vào gân qua lòng bàn tay. Có thể cần tiêm nhiều hơn một lần do vấn đề này đôi khi tái phát. Các triệu chứng thường biến mất trong 3 - 5 ngày và ngón tay hết bị khóa trong 2 - 3 tuần.

Nếu vẫn còn xuất hiện tình trạng ngón tay bật, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bằng cách gây tê nơi sẽ mổ. Sau đó, bác sĩ sẽ cắt một đường nhỏ ở lòng bàn tay và mở dải mô bao chặt quanh gân ra. Đôi khi có thể thực hiện phẫu thuật bằng đầu kim mà không cần phải rạch.

Nếu có dấu hiệu mắc bệnh ngón tay bật, bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám, chẩn đoán tình trạng và điều trị bằng biện pháp thích hợp nhất.