Có thể bạn chưa biết, trung bình bàng quang chúng ta có thể chứa tối đa khoảng 420ml chất lỏng. Khi bàng quang đầy, cơ chế phản hồi tự động gửi một tín hiệu lên não để nhắc bạn phải đi tiểu. Nếu thường xuyên kìm nén để nhịn tiểu, bạn có thể gặp các rắc rối dưới đây.
1. Nhịn tiểu lâu gây ra những tác hại gì?
Nhịn tiểu là một thói quen xấu đối với sức khỏe. Nước tiểu gồm các chất cơ thể cần thải ra ngoài. Khi bị ứ các chất này trong bàng quang có thể gây sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang. Hơn nữa, chất thải ứ đọng lại trong bàng quang còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang.
Nhịn tiểu thường xuyên dễ gây nhiễm trùng tiểu (Nguồn: Internet)
Đối với người lớn, nhiễm trùng tiểu thường gây ra các biến chứng như viêm bể thận cấp, áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp,…Ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng tiểu có thể gây sinh non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh,...
Đối với trẻ em, nhịn tiểu lâu gây nhiễm trùng tiểu có thể gây biến chứng sẹo thận. Đặc biệt, khi nhịn tiểu, trẻ có thể bị trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận nhanh chóng, từ đó đưa đến suy thận mãn tính, thậm chí gây nhiễm trùng huyết nguy hiểm cho tính mạng.
Ngoài ra, việc nhịn tiểu lâu ngày cũng sẽ làm cơ thể mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ, dẫn tới tiểu són, tiểu rắt.
Nhịn tiểu làm bàng quang căng giãn thường xuyên cũng có nguy cơ gây vỡ bàng quang. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà nhịn tiểu thường xuyên.
2. Mỗi ngày nên đi tiểu bao nhiêu lần?
Số lần đi tiểu mỗi ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố (Nguồn: Internet)
Theo tiến sĩ Neil Grafstein, khoa Tiết niệu Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ), không có quy định chính xác cho số lần một người bình thường nên đi tiểu mỗi ngày, nhưng hầu hết số lần đi tiểu của mọi người thường dao động từ 4 – 7 lần/ngày. Con số này có thể thay đổi ở từng đối tượng, lượng chất lỏng nạp vào cơ thể hay mức độ nhạy cảm của bàng quang...
Để không phải gánh chịu những tác hại đáng sợ của việc nhịn tiểu, bạn nên đi tiểu đúng lúc mỗi khi cơ thể có nhu cầu.
Tóm lại, bạn hãy luôn ghi nhớ rằng tiểu tiện kịp thời là một trong những cách hiệu quả để giữ gìn sức khỏe cho đường tiết niệu và cơ thể.