Phần tư vấn của Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết
Tìm vị trí huyệt
Trên lâm sàng, việc châm cứu hoặc xoa bóp có đạt hiệu quả hay không, phụ thuộc khá nhiều vào việc xác định đúng vị trí huyệt. Có nhiều khi, chẩn đoán đúng bệnh nhưng châm không đúng huyệt thì hiệu quả cũng không thể đạt được.
Vì vậy, cần phải nắm vững phương pháp lấy huyệt chính xác. Sau đó, phải chẩn đoán rõ ràng, chính xác, đúng vị trí bệnh ở kinh nào, bệnh thuộc tạng phủ nào. Khi chữa dùng cách châm hay cách cứu, dùng phép bổ hay dùng phép tả, sau đó tiến hành trị liệu, như vậy mới thu được hiệu quả mong muốn.
Kết hợp nhiều phương pháp trong điều trị
Châm cứu: Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông. Người ta dùng kim châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị); sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm mục đích trừ khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phương pháp này gọi chung là châm.
Còn như dùng lá ngải khô để đốt lửa xông trực tiếp hoặc gián tiếp hơ lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, gọi là ngải cứu.
Hai phương pháp này tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.
Bấm huyệt: Nhà trị liệu sẽ dùng tay (hoặc chân) để ấn lên các huyệt chính trên cơ thể. Bấm huyệt được dùng trong việc kết hợp với chế độ ăn uống, kĩ thuật hít thở và dược thảo nhằm mang lại sự cân bằng cho cơ thể tốt nhất.
Liệu pháp này đặc biệt hữu ích trong việc giảm sự căng cơ và các triệu chứng liên quan đến stress.
Phương pháp châm cứu và bấm huyệt đều chữa trị bằng việc kích thích vào các huyệt vị trên cơ thể người bênh nhưng thay vì dùng kim châm như châm cứu, thì bấm huyệt lại sử dụng tay để ấn, xoa bóp. Trong một số trường hợp, người chữa trị sẽ kết hợp cả hai phương pháp này để đạt kết quả tốt nhất.
Bao nhiêu là đủ
Mặc dù châm cứu tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị một số loại bệnh, nhưng nếu không cẩn thận dễ gây ra những rủi ro. Nếu bác sĩ châm thẳng vào dây thần kinh, có thể dẫn đến liệt, teo cơ…
Giống như kim tiêm, kim châm cứu cũng có thể lây bệnh nếu dùng chung mà không được hấp, tiệt trùng đúng cách. Khi châm kim, nếu người bệnh có cảm giác rát buốt, bác sĩ phải rút kim ra ngay lập tức bởi nếu châm sai vào những huyệt nguy hiểm, châm quá sâu, có thể gây tử vong.
“Không phải ai cũng có thể chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu. Nếu thiếu hiểu biết và chưa có kinh nghiệm thì châm cứu có thể gây nhiều nguy hiểm. Để châm cứu chữa bệnh đạt hiệu quả, người bệnh chỉ nên đến bệnh viện, viện châm cứu đã có xác nhận của Bộ Y tế”, Dược sĩ Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam lưu ý.
Cũng theo bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM: “Để châm cứu có hiệu quả tốt nhất, người thầy thuốc phải được đào tạo tốt, tự tin, có sức khoẻ, tập trung khi thao tác, bảo đảm nguyên tắc vô trùng y cụ. Đối với người bệnh cũng phải tin tưởng, tâm trạng thoải mái, không quá lo sợ, không ăn quá no, quá đói”.